Tỉnh Vĩnh Long: Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Đời sống 05/02/2020 08:56
PV: Xin ông đánh giá về tình hình KT-XH của địa phương năm 2019; những ngành, lĩnh vực, tạo khởi sắc giúp kinh tế tăng trưởng?
Ông Lữ Quang Ngời: Năm 2019, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều bất lợi, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan, thời tiết diễn biến bất thường, giá cả nông sản thiếu ổn định... nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên KT-XH năm 2019 của tỉnh đạt được nhiều kết quả: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,22%; các mục tiêu KT-XH cơ bản hoàn thành, 20/22 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp có sự bứt phá, chỉ số sản xuất (IIP) tăng 15,04% so với năm 2018, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2015 đến nay.
Ông Lữ Quang Ngời Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long |
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 568,7 triệu USD, đạt 121% kế hoạch, tăng 22,3% so với 2018 và cao hơn mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Các mặt hàng xuất khẩu như: Giày da, dệt may, rau quả... tăng cao. Công tác xúc tiến đầu tư, môi trường kinh doanh cải thiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng kí thực hiện dự án, số lượng doanh nghiệp mới tăng hơn. Tỉnh tổ chức thành công Hội thảo Xúc tiến đầu tư, góp phần quảng bá tiềm năng, lợi thế để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm; đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp; triển khai cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2019...
PV: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm như thế nào, thưa ông?
Ông Lữ Quang Ngời: Năm 2019, tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 32.741 người; có 207 lớp cho 5.405 lao động nông thôn; lao động có chuyên môn kĩ thuật đạt 71,04%, lao động qua đào tạo đạt 50,07%. Giải quyết việc làm cho 27.490 lao động, đạt 137,45% kế hoạch; xuất khẩu lao động 1.715 người, đạt 106,52% kế hoạch. Tổ chức hơn 100 cuộc tuyên truyền, tư vấn việc làm cho 10.500 lượt người. Hỗ trợ 1.100 lao động vay 30.752 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia tạo việc làm; hỗ trợ 24.974 triệu đồng cho 332 lao động vay đi xuất khẩu lao động; hỗ trợ 163,264 triệu đồng ban đầu cho 20 lao động khi tham gia xuất khẩu lao động.
Công tác giáo dục nghề nghiệp có sự liên kết giữa cơ sở giáo dục với địa phương, trường THPT và doanh nghiệp trong tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh học nghề, giải quyết việc làm; phát động mô hình về đặt hàng tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn tham gia xuất khẩu lao động.
PV: Xin ông cho biết kết quả và định hướng phát triển du lịch của tỉnh?
Ông Lữ Quang Ngời: Du lịch của tỉnh có chuyển biến phù hợp và từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành; kí kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Năm 2019, khách du lịch đến Vĩnh Long đạt 1,5 triệu lượt người, tăng 15% (có 215.000 lượt khách quốc tế, tăng 2%), doanh thu đạt 525 tỉ đồng, tăng 54% so với năm 2018.
Cơ sở vật chất phục vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách và đủ điều kiện để tổ chức sự kiện cấp vùng và quốc gia. Hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù gắn với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp; có 6 điểm du lịch được Hiệp hội du lịch ĐBSCL công nhận là tiểu biểu; 2 lần được tặng giải thưởng Homestay ASEAN; khoai lang Bình Tân và xà lách xoong Bình Minh thuộc top 50 món ăn đặc sản Việt Nam…
PV: Mục tiêu và định hướng phát triển KT-XH của địa phương trong năm 2020 và những năm tiếp theo, thưa ông?
Ông Lữ Quang Ngời: Trước hết, tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô, duy trì ổn định kinh tế. Thực hiện đúng định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và đẩy nhanh tiến trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2020, thúc đẩy tăng trưởng GRDP đạt 6,2%.
Đẩy nhanh cải cách thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Hoàn thiện, xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các đô thị và vùng phụ cận; phát triển bền vững môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong thực hiện pháp luật hiện hành, đặc biệt là giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài khu công nghiệp... Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, thực chất trong từng ngành, lĩnh vực.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!