Tỉnh Kiên Giang: Một thẩm phán TAND huyện Phú Quốc bị tố vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Pháp luật - Bạn đọc 30/11/2019 08:06
Ông Nguyễn Văn Thương, đại diện ủy quyền của ông Phù Quang Hy
Chiều 28/11, bà Lê Thị Minh Hiếu, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang cho biết, TAND tỉnh Kiên Giang đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Thương, 52 tuổi, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, với nội dung tố cáo ông Hồ Văn Bình, Thẩm phán TAND huyện Phú Quốc. Bà Hiếu đã chuyển đơn kèm hồ sơ liên quan cho Tổ Hành chính - Tư pháp của bộ phận một cửa nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo xử lý.
Bị kiện vì nhiều lần bội tín
Theo hồ sơ tố tụng, ông Thương, người đại diện ủy quyền của nguyên đơn Phù Quang Hy (78 tuổi) và Nguyễn Thị Hai (78 tuổi, vợ ông Hy), ở ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc. Bị đơn trong vụ án này là bà Nguyễn Phương Thảo, 42 tuổi, ngụ ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ. Còn thẩm phán Hồ Văn Bình là chủ tọa phiên tòa của Vụ án số 28/2018 về việc "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hủy chỉnh lý biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" thụ lý ngày 9/1/2018, mà nguyên đơn là ông Hy và bà Hai; bị đơn là bà Thảo.
Đơn tố cáo ông Thương cho rằng thẩm phán Bình có dấu hiệu vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng, xét xử không khách quan, không xem xét toàn diện nội dung vụ án; bắt tay với bị đơn, xử ép nguyên đơn 100%...
Nội dung vụ án cho thấy, ngày 12/5/2011, tại Phòng Công chứng số 2 Chi nhánh Phú Quốc có diễn ra việc vợ chồng ông Hy lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Thảo 23.337,8 m2 đất tại ấp 4, xã Cửa Cạn với giá 125 triệu đồng/1.000 m2. Trong đó, 1.337,8 m2 là phần đất vợ chồng ông Hy tự nguyện chừa lại lối đi chung, đất chuyển nhượng thực tế là 22.000 m2, nên tổng số tiền giao dịch là 2.750.000.000 đồng.
Lúc phát sinh hợp đồng chuyển nhượng, bà Thảo giao cho ông Hy và bà Hai 1,4 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận khi nào quyền sử dụng đất sang tên cho bà Thảo thì bà Thảo sẽ thanh toán số tiền còn lại.
Gần hai tuần sau đó đất chuyển nhượng được sang tên cho bà Thảo (chỉnh lý biến động). Lúc này, vợ chồng ông Hy nhiều lần liên lạc với bà Thảo đến Tổ một cửa của UBND huyện Phú Quốc để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và thanh toán số tiền còn lại nhưng bà Thảo không thực hiện. Vì vậy, ông Hy đã làm đơn ngăn chặn việc nhận sổ đỏ của bà Thảo.
Đến ngày 24/5/2012, ông Hy làm đơn yêu cầu UBND cấp xã hòa giải, nhưng chính quyền địa phương liên hệ với bà Thảo nhiều lần tại nơi cư trú nhưng không mời được bị đơn.
Ngày 18/7/2013, ông Hy biết bà Thảo có mặt ở tại nhà ông Thái Văn Phương (ngụ khu phố 5, thị trấn Dương Đông, là người thay mặt bà Thảo đi làm giấy tờ) nên nguyên đơn yêu cầu xã giải quyết nhưng bà Thảo vẫn không có mặt. Vì vậy, cấp xã kết thúc hồ sơ giao cho ông Hy khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Ngày 6/10/2013, bà Thảo cùng ông Phương đến gặp vợ chồng ông Hy để đưa 30 triệu đồng và hứa sẽ tiếp tục trả tiền để lấy sổ đỏ. Chờ mãi không thấy bà Thảo đưa tiền, vợ chồng ông Hy nhờ Công an huyện Phú Quốc can thiệp.
Công an sau đó mời bà Thảo và ông Hy lên làm việc. Tại đây, bà Thảo làm giấy hứa, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 11/7/2013, sẽ đưa trước tiền đất cho ông Hy và bà Hai là 200 triệu đồng. Bà Thảo còn nói nếu không đưa tiền được trực tiếp cho ông Hy thì sẽ chuyển khoản cho ông Phương trả cho ông Hy, nhưng đến hẹn (ngày 11/7/2013) bà Thảo và ông Phương cũng không đưa tiền.
Tiếp đó, ngày 30/10/2013, bà Thảo mới tới nhà ông Hy xin gửi trước 50 triệu đồng, hứa vài ngày nữa sẽ trả tiền và lấy sổ đỏ nhưng tiếp tục bội tín. Vì vậy, tháng 3/2014, vợ chồng ông Hy đã kiện bà Thảo ra tòa và yêu cầu Tòa hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông Hy với bà Thảo. Nguyên đơn sau đó kiện bổ sung yêu cầu tòa án hủy bỏ chỉnh lý biến động đất (việc sang tên cho bị đơn).
Đất trượt giá đến 40 tỷ đồng nhưng HĐXX tuyên theo giá gần 10 năm trước
Ngày 13/3/2017, vụ án được đưa ra xét xử lần đầu tại TAND huyện Phú Quốc với phán quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Hy. HĐXX tuyên vợ chồng ông Hy có nghĩa vụ hoàn trả 1,4 tỷ đồng cho bà Thảo. Ngày 20/9/2017, TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND huyện Phú Quốc xét xử lại.
Ông Thương cho biết, ngày 20/12/2018, vụ án đưa ra xét xử với 2 hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Phước Lộc và bà Nguyễn Thị Thu Ba. Sau một giờ nghị án, ông Thương không thấy ông Bình tuyên án nên đi lên lầu thì gặp và thấy ông Lộc và bà Ba với nét mặt bức xúc.
Ông Thương cho biết thêm: “Tôi hỏi ông Lộc có việc gì, thì vị hội thẩm này nói nếu như chủ tọa nghe theo Viện Kiểm sát mà xử bị đơn thắng kiện thì tự tuyên án, ông Bình muốn làm gì thì làm, ông không ký biên bản. Nửa giờ sau thì thư ký ra báo tạm ngưng xử, bao giờ tuyên án cho biết sau. Tôi lên gặp ông Bình thì chủ tọa nói chưa tuyên án được, thư ký đã báo rồi nên tôi về”.
Năm ngày sau đó, ông Thương cũng không thấy HĐXX mời lên để nghe tuyên án. Buộc ông phải đến tòa hỏi thì nhận được quyết định về việc tạm ngưng phiên tòa, nhưng không ghi hoãn đến ngày nào.
"Ông Bình sau đó hướng cho tôi làm đơn khởi kiện bổ sung hủy chỉnh lý biến động ngày 24/5/2011, đối với ông Hy và bà Thảo. Ngày 27/12/2018, tôi nộp đơn và đóng tiền án phí giúp vợ chồng ông Hy và ông Bình ra thông báo về việc thụ lý vụ án chỉnh lý biến động quyền sử dung đất", ông Thương trình bày.
Vụ án kéo dài thêm 11 tháng, trong đó có nhiều lần định giá khu đất liên quan. Trong đó, có công ty định giá đất là 24,2 tỷ đồng, có công ty định giá đất và tài sản trên đất trị giá gần 40 tỷ đồng.
Ngày 19/11/2019, ông Bình đưa vụ án ra xét xử, nhưng 2 hội thẩm không phải là ông Nguyễn Phước Lộc và bà Nguyễn Thị Thu Ba, mà thay vào đó là ông Đặng Thành Tấn và ông Đặng Phước Đức. Lần này, ông Bình tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của vợ chồng ông Hy và buộc nguyên đơn di dời nhà để giao 23.337,8 m2 đất cho bà Thảo.
Đáng lưu ý là dù bị đơn nhiều lần bội tín với nguyên đơn, nhưng bản án ghi: "Ghi nhận sự tự nguyện của chị Nguyễn Thị Phương Thảo thanh toán cho ông Phù Quang Hy, bà Nguyễn Thị Hai số tiền còn lại theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 12/5/2011 và số tiền lãi chậm thanh toán..., tổng cộng 2.239.962.500 đồng". Đây là giá của gần 10 năm trước, trong khi đất trượt giá đến thời điểm này cao hơn 20 lần so với năm 2011.
Bức xúc về việc này, ông Thương nói: "Thẩm phán Bình là chủ tọa phiên tòa có dấu hiệu xét xử không khách quan, không xem xét hết các chứng cứ và lời khai của người làm chứng có trong vụ án để xử án là có dấu hiệu bất thường. Thẩm phán này đưa 2 hội thẩm vô xét xử và thay đổi hội thẩm không ra quyết định, không có quyết định ký của chánh án là vượt quá thẩm quyền của Hội đồng xét xử, có dấu hiệu xét xử không liên tục để giải quyết chung trong vụ án và không xem xét toàn diện nội dung của nguyên đơn".