Tìm hiểu Lễ hội Katê Ninh Thuận
Văn hóa - Thể thao 18/10/2024 08:33
Người Chăm có câu: Cham saai Raglai adei (người Chăm là chị, người Raglai là em). Câu thành ngữ này xuất phát từ một sự tích li kì, hấp dẫn: “Người Raglai kể rằng, ngày xưa Chăm và Raglai là hai chi em cùng một mẹ sinh ra. Chăm là chị, Raglai là em gái út. Một ngày nọ, mẹ đi làm nhưng mãi không về, hai chị em bàn nhau cùng đi tìm. Người chị giao cho em út cất giữ di sản tổ tiên (y trang) để lại. Hai người chia tay nhau, mỗi người mỗi hướng và hẹn nhau khi nào thấy mẹ thì quay lại nơi họ sinh sống.
Người Ralgai lần theo những con suối đi về hướng Tây, còn người Chăm thì theo tiếng chim hót ngược về hướng Đông. Họ đi mãi, đi mãi nhưng không tìm được mẹ, cuối cùng bị thất lạc nhau. Người Ralgai chọn nơi núi rừng phía Tây để sinh sống, còn chị gái thì sống luôn ở đồng bằng ven biển phía Đông”.
Theo truyền thuyết, người Chăm và Raglai đều là con của nữ thần Pô Ina Nagar - Bà mẹ xứ sở. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, người con gái út được quyền thừa kế, quản lí tài sản, giữ những vật gia bảo và thờ cúng tổ tiên. Trong đại gia đình các dân tộc Chăm xưa, người Raglay là em út nên được vua Chăm tin cậy giao giữ các y phục của vua chúa, đặc biệt là trong lúc chiến tranh, loạn lạc. Đến khi thanh bình, người Chăm và người Raglai long trọng làm lễ giao nhận để rước y trang về với đền tháp để làm lễ.
Lễ hội Katê Ninh Thuận diễn ra đồng thời ở cả 3 đền tháp: Đền Pô Ina Nagar, tháp Pô Klong Garai và tháp Pô Rome, nhưng địa điểm chính của lễ hội là ở tháp Pô Klong Garai. Lễ hội Katê gồm các nghi thức: Lễ mở cửa tháp, Lễ tắm tượng thần, Lễ mặc y trang cho thần và Đại lễ cúng đền tháp.
Lễ rước y trang
Đây là nghi thức mở đầu cho lễ hội Kate được diễn ra rất trọng thể. Sau khi thực hiện thủ tục giao nhận thiêng liêng, trang nghiêm tại thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Hàm Thuận Nam, y phục được đưa lên kiệu. Đoàn rước y trang với đội múa quạt hàng trăm người đi trên đoạn đường dài từ thôn Là A, xã Phước Hà về làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước trong tiếng trống Ghinăng, tiếng kèn Saranai rộn ràng. Cả sư, chức sắc và đồng bào Chăm tổ chức nghi lễ đón y trang ở sân vận động làng Hữu Đức vô cùng long trọng. Tại đây các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hát múa diễn ra sôi nổi để chào đón đoàn rước y trang. Y trang sau đó được rước về để tại đền làng. Kết thúc Lễ rước y trang.
Lễ mở cửa tháp
Sau Lễ rước y trang là Lễ mở cửa tháp do Cả sư và ông Từ giữ tháp chủ trì. Lễ vật gồm rượu, trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương. Cả sư thắp nến, rót rượu dâng lên, đốt hương trầm và làm lễ khấn vái thần linh. Xong lời cầu nguyện, Cả sư cầm lọ nước tắm phù điêu thần Shiva trên vòm cửa Kalan chính. Tiếng đàn Rabap nổi lên, bà Bóng tiến đến trước cửa Kalan chính, ngồi bên tượng bò thần Nadin để hát xin mở cửa tháp. Khi giọng ca vừa dứt, đoàn lễ tiến vào tháp. Bà Bóng và ông Từ mở cửa tháp trong khói hương trầm nghi ngút.
Lễ tắm tượng thần
Lễ diễn ra bên trong đền tháp do Cả sư cùng thầy kéo đàn Rabap, bà Bóng, ông Từ và một số chức sắc tôn giáo thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ và xung quanh bệ thờ, bà Bóng rót rượu dâng lễ; thầy kéo đàn Rabap hát: “Chúng con mang nước này từ sông thiêng, xin tắm gội, rửa tay chân cho thần. Chúng con lấy nước từ sông thiêng xin tắm và lấy khăn lau mình thần. Thần đã về trời lâu ngày, hôm nay mới đến phù hộ độ trì chúng con …”.
Ông Từ cầm li nước trầm tưới lên tượng thần. Mọi tín đồ cùng nhau tắm cho thần. Các tín đồ lấy nước tắm thần từ thân tượng bôi lên đầu và thân thể mình để cầu chúc sức khỏe, may mắn.
Lễ mặc y phục cho tượng thần
Lễ này được tiến hành theo lời hát thánh ca của thầy kéo đàn Rabap. Thầy hát đến đâu thì ông Từ và bà Bóng mặc trang phục cho thần tới đó: “Nghe tiếng thác đổ trên cao, thần Pô Klong Garai mặc váy viền hoa về dự lễ. Tiếng thác đổ xuống rì rào, thần Pô Klong Garai mặc áo bào về dự lễ. Nghe thác đổ xuống vịnh sâu, thần Pô Klong Garai đội mão vàng về dự lễ…”.
Đại lễ
Đây là phần quan trọng nhất của lễ hội Katê. Sau khi mặc trang phục cho tượng thần xong, lễ vật dâng cúng được bày ra trước bàn thờ. Đại lễ bắt đầu. Cả sư làm chủ lễ điều khiển buổi lễ; thầy kéo đàn Rabap hát mời các vị thần về dự lễ. Cứ mỗi vị thần được mời về dự lễ thì bà Bóng lại dâng lễ vật. Cả sư làm phép đọc kinh cầu nguyện, bà con dự lễ chắp tay cầu xin thần phù hộ cho dân làng. Cuối cùng bà Bóng xuất thần với điệu múa thiêng trên đền tháp để kết thúc đại lễ.
Sau phần “lễ” trên đền tháp là phần “hội”. Phần “hội” thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Mọi người hòa mình trong không khí rộn ràng của tiếng trống Ghinăng, tiếng kèn Saranai cùng các điệu múa Chăm duyên dáng, uyển chuyển. Không khí lễ hội Katê Ninh Thuận tưng bừng, hoành tráng, thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
Sau lễ hội Katê trên đền tháp là Katê tại các làng và gia đình. Katê làng nhằm tưởng nhớ các vị thần làng, những người có công với dân làng. Thần làng là người lập làng, giúp người dân trong sản xuất và đời sống. Mỗi làng có các vị thần làng riêng, như: Làng Bàu Trúc có thần Pô Klong Can người có công giúp làng phát triển nghề gốm; làng Mỹ Nghiệp có thần sông biển Pô Riyak có công phù hộ, cứu giúp những người đi biển khi gặp nạn. Làng Hữu Đức thờ thần Pô Klong Halâu dạy người Chăm trồng lúa, dẫn thủy, nhập điền…
Kết thúc Katê làng là đến phần lễ của từng gia đình. Chủ lễ thường là người lớn tuổi nhất trong tộc họ, gia đình, thay mặt cả gia đình, dòng tộc dâng lễ lên tổ tiên. Tất cả những thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, thành tâm cầu nguyện tổ tiên phù hộ để có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Katê cũng là dịp đoàn tụ, gắn kết các thành viên trong gia đình, dòng tộc.
Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.