Tiếp bài “Tỉnh Lâm Đồng: Những dấu hiệu dối gian của phu nhân Giám đốc Sở Tư pháp”: Kì lạ, người chết 3 năm “sống” lại... điểm chỉ ủy quyền!?
Pháp luật - Bạn đọc 01/06/2020 08:20
Sử dụng công chứng để tẩu tán tài sản!?
Thông tin chúng tôi nhận được, số tiền bà Liên vay mượn lên đến hàng trăm tỉ đồng (riêng các ngân hàng không dưới 200 tỉ đồng). Trong các chủ nợ, có cả những người là nhân viên của ông Sơn, bà Liên tại Sở Tư pháp. Một cán bộ đương chức, rất có trách nhiệm của tỉnh Lâm Đồng cho hay, nạn nhân của bà Liên rất đa dạng, gồm người trong lực lượng vũ trang, ngân hàng, công chức Nhà nước và người dân. Có cán bộ cấp trưởng phòng của tỉnh mới về hưu, nghe tin vợ cho vay vài tỉ đồng đã ngã bệnh, nằm một chỗ rất thương tâm...
Tuy nhiên, cũng có thông tin ông Giám đốc Sở không hề biết chuyện vay mượn của vợ nên... “không liên quan”. Song, với những gì chúng tôi nắm được, ông Sơn chẳng thể vô can, bởi ngoài những lần “tháp tùng” bà xã đi vay tiền, ông này còn trực tiếp kí giấy vay. Cụ thể, giấy vay 2,5 tỉ đồng của bà H, giấy vay 8 tỉ đồng của bà P (giấy vay 8 tỉ đồng được soạn thảo và kí ngay tại trụ sở Sở Tư pháp). “Có lần ông ấy dùng ô tô chở bà Liên đến nhà tôi mượn tiền. Và, ngay tối đó, ổng a lô cho tôi, bảo còn tỉ nào cho vay thêm” - bà N, chủ khoản nợ hơn 20 tỉ đồng bức xúc.
Gần như ngày nào cũng có người đến phòng Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng “ngồi... vạ” |
Không chỉ cùng vợ vay tiền, Giám đốc Sở Tư pháp còn tham gia và sử dụng phòng công chứng, để tẩu tán tài sản nhằm “né” nợ!? Cụ thể, để bảo đảm thi hành án, theo yêu cầu của nguyên đơn, ngày 7/4/2020 TAND TP Đà Lạt phong tỏa khối tài sản của ông Sơn, bà Liên, là ngôi nhà 73/1 Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt. Thế nhưng, sau khi phong tỏa mới “té ngửa”, bất động sản này (cũng là tư dinh mà người cho vay từng “ở vạ”) đã được vợ chồng ông Sơn thế chấp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để vay tiền từ năm 2018. Và hiện tại, ông Sơn, bà Liên đã ủy quyền cho bà Thu Cúc, để bà này lập hợp đồng chuyển nhượng cho người khác vào ngày 19/3/2020.
Như vậy, ngoài dấu hiệu cố tình tẩu tán tài sản, còn vấn đề rất đáng lưu tâm, đó là tại sao Văn phòng Công chứng Đoàn Quang Lưu lại chứng thực ủy quyền, cũng như công chứng hợp đồng sang nhượng tài sản chưa xóa thế chấp của ông Sơn? Phải chăng, do không hiểu luật, do bị ép buộc, hay do được hứa hẹn thăng tiến, lên cao?...
Hợp đồng ủy quyền sau khi bà H đã mất hơn 2 năm (ảnh nhỏ là giấy chứng tử) |
Người chết 3 năm “sống” lại... điểm chỉ ủy quyền!?
Việc tiến hành thủ tục chứng thực sang nhượng tài sản khi chưa xóa thế chấp quả là chuyện lạ. Song, lạ hơn khi người đã mất bỗng “sống” lại ủy quyền tài sản, để phu nhân Giám đốc Sở, Thạc sĩ luật Bùi Thị Mai Liên mang văn bản ủy quyền này đi “cắm”, mượn tiền. Số là, để bảo đảm khoản vay nhiều chục tỉ đồng, bà Liên đã đưa cho bà P một số hợp đồng ủy quyền (đều do công chứng viên Chu Văn Sửu, Văn phòng Công chứng Đoàn Quang Lưu chứng thực). Theo hợp đồng, người có bất động sản giao cho bà P được toàn quyền tặng cho, góp vốn, sang nhượng, thế chấp bất động sản của mình. Mặc dù, có quyền “sinh sát”, định đoạt như vậy, nhưng bà P lại không được giao sổ đỏ, cũng như không phải đến phòng công chứng để cùng người có tài sản kí kết giao kèo (tất cả đều do bà Liên làm sẵn, mang đến tận nhà). Tin tưởng vợ chồng con nợ là “quan” to, cả 2 lại sắp ngồi ghế lớn, nên bà P giữ chắc “mớ” hợp đồng ủy quyền nhiều khối nhà, đất của “người lạ”, cho đến khi con nợ khất lần rồi tránh né.
Căn nhà của cụ Hộ (đã mất 3 - 4 năm trước) bỗng dưng bị “cầm cố” |
Rút ngẫu nhiên 2 trong số những hợp đồng, chúng tôi đi tìm người có bất động sản “giao tất tần tật” cho bà P. Thật bất ngờ, tại nhà bà Bùi Thị H, người ủy quyền cho bà P định đoạt ngôi nhà duy nhất của mình, anh S, con bà H đưa cho phóng viên tờ khai tử: “Má tôi mất từ tháng 4/2017, thì kí ủy quyền vào ngày 8/5/2019 sao được?”. Anh cho biết thêm, sau khi mẹ anh mất, anh có đến Văn phòng Công chứng Số 1 để làm thủ tục nhận thừa kế (hiện sổ đỏ đã mang tên anh). “Có lẽ vì thế nên họ biết thông tin về má tôi, về nhà đất của gia đình tôi để làm ra hợp đồng giả mạo này... Nhưng, tôi có đến Văn phòng Công chứng Đoàn Quang Lưu đâu mà họ có thông tin?” - anh S thắc mắc.
Ai điểm chỉ thay người đã mất, trước sự chứng kiến của ông Thiện? |
Tương tự, chúng tôi về vùng ven tìm cụ Nguyễn Khương và cụ Võ Thị Hộ. Thật không may, do tuổi cao sức yếu cụ Khương (SN 1928) vừa phải đi cấp cứu nên cửa đóng, then cài. Tuy nhiên, những người dân trong xóm đều khẳng định vợ cụ Khương là cụ Võ Thị Hộ đã mất 3 - 4 năm nay và cụ Khương tuổi cao như thế, nào còn minh mẫn để ủy quyền nhà đất cho ai?... Vậy đã rõ, bản ủy quyền ngày 22/6/2019 là tạo dựng. Song, ai đã dùng ngón tay mình điểm chỉ, thay các cụ? Điều nữa, tại bản hợp đồng còn có chữ kí của ông Đoàn Ngọc Thiện, là người làm chứng “đã đọc bản hợp đồng cho cụ Khương, cụ Hộ nghe, đồng ý và điểm chỉ”(!?). “Tôi biết ông Thiện. Ông ta chính là cháu ông Sơn và đang là cán bộ Công an tỉnh” - chồng chủ nợ P quả quyết.
Công chứng viên Chu Văn Sửu nguệch ngoạc ghi số công chứng vào quyển số mấy đây? |
Với những thông tin trên, có thể cho rằng: Đã có một “kịch bản” tạo ra những bản hợp đồng, có người làm chứng, có công chứng hẳn hoi, nhưng lại là hợp đồng không thật, để trao cho chủ nợ gom tiền. Đây rõ ràng là việc làm vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng.
Cần nói thêm, theo chủ nợ N, hành vi sai trái còn thể hiện ở việc, dù đã “cắm” một sổ đỏ (1.597m2, thuộc thửa số 1.711, phường 7) để vay BIDV 13,5 tỉ đồng, nhưng không hiểu bằng cách nào, bà Liên vẫn tách ra được 5 sổ con. Đáng lẽ, sau khi tách sổ, bà phải đưa những sổ con này vào ngân hàng, thay cho sổ cái không còn giá trị. Song, bà không làm thế, mà tiếp tục sang nhượng để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ (việc tách thửa, khi sổ cái đang thế chấp, liệu có sự tiếp tay của ngân hàng và cơ quan địa chính!?)...
Giấy vay 8 tỉ đồng có chữ kí của Giám đốc Sở Đoàn Xuân Sơn |
Ngoài việc nợ nần, tẩu tán... được biết ông Sơn cũng là nhân vật gây dư luận với quá trình thăng tiến thần tốc (chỉ trong 6 năm, 2010 - 2016, từ một công chứng viên bình thường, ông đã ngự ghế Giám đốc Sở). Để làm rõ thông tin này, chúng tôi hỏi Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, song không được hồi âm. Giống vậy, trước thông tin cho đến nay cả 2 vợ chồng ông Sơn, bà Liên vẫn “bình chân như vại”, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho hay: Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lí báo cáo thường trực, song vẫn “chưa thấy gì”...