Tiếng nghé ọ bên sông
Đời sống 10/02/2021 14:15
Hỏi người thanh niên cầm cây gậy và chai nước đang chăn trâu, anh cho biết tên là Sơn, quê ở Thái Nguyên. Cùng làm với anh còn một người nữa, mỗi tháng họ được ông Tiến trả 5,5 triệu đồng/người và nuôi cơm hằng ngày. Đàn trâu đông nhưng chăn cũng không vất vả, chỉ cần con đầu đàn đi là tất cả đi theo. Nơi chăn thả là những bãi cỏ ven sông, khi bờ đê cỏ mọc tốt thì cho trâu vào ăn một vài buổi…
Ông Nguyễn Văn Tiến |
Qua chỉ dẫn của anh Sơn, tôi theo chân cầu Vĩnh Tuy ra bờ sông tìm đến trại trâu của ông Tiến. Đến trước cửa một căn nhà cấp 4 bên vườn nhãn, bưởi um tùm, tôi dựng xe, bước vào. Ông Tiến đang nằm trên chiếc đi văng nhỏm dậy hỏi: “Có việc gì đấy anh?”. Tôi tự giới thiệu và ngỏ ý muốn mua phân trâu khô về trồng rau trên sân thượng. Ông cười xòa: “Ôi dào, tưởng mua mấy tấn chứ vài bao thì anh cứ ra chuồng mà xúc. Nếu có chỗ đổ, tôi cho hẳn 1 xe 5 tạ”. Thấy ông xởi lởi, tôi tỉ tê hỏi chuyện đàn trâu. Ông cũng chẳng giấu giếm, vừa uống nước, vừa kể với cái giọng bỗ bã như thể tôi là bạn cũ.
Ông bảo, ông sinh năm 1958, trong gia đình có 9 người con. Tính ông chả giống ai trong nhà và từng có thời gian phải nằm Hỏa Lò. Năm 1990, được ra trại rồi lấy vợ, xoay đủ nghề mà vẫn thiếu đói, nhiều người còn nhìn ông bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Thấy vùng bãi ven sông Hồng này lầy lội, hoang hóa, không ai ngó ngàng, vợ chồng ông cùng một số gia đình rủ nhau ra phát lau sậy, vỡ đất trồng rau màu. Công việc vất vả, có năm lũ lụt bị mất trắng. Những người cùng làm nản chí bỏ dần, chỉ còn vợ chồng ông trụ lại.
Đàn trâu của ông Tiến dưới chân cầu Vĩnh Tuy |
Để đỡ sức người, vợ chồng ông tích cóp và vay mượn mua một cặp trâu đực cái giá 1,8 triệu đồng. Cặp trâu không chỉ giúp cày bừa mà sau đó còn sinh ra 1 con nghé. Bãi sông Hồng cỏ mọc mênh mông, trâu tha hồ ăn, nên rất chóng lớn. Thấy nguồn lợi hé ra từ chăn nuôi trâu, ông bắt đầu nhân đàn trâu lên vài ba con, rồi vài chục con. Bây giờ đàn trâu của ông có 150 con, con nào con nấy béo tròn. Thời điểm kỉ lục đàn trâu lên tới 300 con, mỗi năm sinh được 70 con nghé và bán khoảng 30 con trâu thịt. Thương lái nhiều nơi tìm đến mua, bởi trâu nhà ông được chăn thả tự nhiên, béo tốt, khách tha hồ chọn.
Đúng như các cụ nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, với ông Tiến, con trâu đã mang đến một gia sản hàng tỉ đồng để mở mang trang trại ngoài bãi sông, xây nhà cửa to đẹp trong phố. Ông trở thành nổi tiếng với cái biệt danh “Tiến trâu”.
... ăn cỏ trên đê sông Hồng |
Không chỉ nuôi trâu, vợ chồng ông còn nuôi khoảng 30 con lợn, hàng chục con chó, hàng trăm con gà, ngan, ngỗng; trồng hàng nghìn cây bưởi Diễn, cam, nhãn… Nhìn trang trại xanh ngút mắt rộng đến 31 ha của ông, ai cũng phải nể phục. Ông Cách, bạn của ông Tiến kể: “Chỉ có ông Tiến mới làm được trang trại này. Vợ chồng ông ấy lăn lộn cuốc đất lật cỏ, vất vả mấy cũng không bỏ cuộc. Tôi ở trong phố thỉnh thoảng chạy ra giúp được ông ấy việc gì thì giúp, gặp bữa thì cùng ngồi uống rượu…”.
Ông Cách chưa dứt lời thì đã thấy tiếng ông Tiến gọi chúng tôi vào ăn trưa. Tôi từ chối không được. Ông Tiến vừa rót rượu, vừa nói: “Trước lạ, sau quen. Anh đến đây gặp bữa thì ta ngồi với nhau một tí. Cơm nhà nông thôi”. Tôi đùa: “Tôi ở lại ăn cơm, có mất suất của người chăn trâu không đấy?”. “Mất thế nào được!” - Ông xua tay rồi bảo thằng cháu bê ra nồi cơm với xoong thịt lợn rang to tướng. “Đấy, anh thấy chưa! Cơm, thịt lợn, thịt gà, rau… toàn thực phẩm sạch. Lát nữa, cháu nó mang cơm cho thợ chăn trâu. Chủ ăn gì, thợ ăn nấy. Không sợ thiếu”.
... đằm nước bên chân cầu |
Bỗng dưng tôi thấy quý ông Tiến ở cách nói chuyện thẳng tưng, bỗ bã nhưng cũng rất tình người. Ông bảo, ông không xăm trổ, không nghiện ngập thứ gì. Rượu thích thì uống, không thì thôi. Riêng lao động thì không bỏ được, cứ phải luôn chân, luôn tay… Quả đúng như vậy. Cơm xong, vừa uống được chén nước, ông đã vội sang dãy chuồng lợn. Bà Hải vợ ông cũng vừa thồ về một xe đạp cây ráy, cây khoai nước. Ông Cách và thằng cháu giúp thái rau khoai, còn ông thì nhóm lửa nấu cám rồi xịt nước tắm cho đàn lợn. Ông chỉ cho tôi xem những ổ trứng gà nằm rải rác khắp nơi và nói: “Gà nhà tôi nuôi bằng ngô, thóc nên trứng rất thơm ngon. Lợn thì hợp đồng lấy thức ăn thừa, nước rác ở 1 công ty về nấu với cây khoai nước chứ không cho ăn cám tăng trọng”.
Thấy ông cùng đứa cháu ra mở chuồng lùa mấy con trâu mẹ con ra bãi, tôi tò mò hỏi: “Sao không cho chúng đi ăn với đàn?”. Ông bảo: “Mấy con này vừa đẻ trong tuần, chưa cứng cáp, phải thả riêng ít ngày. Nhập đàn sớm, chúng không theo được”.
Những con nghé mới sinh trong tuần |
Nhìn ông vừa lùa, vừa như trò chuyện với 5, 6 con nghé mới đẻ, tôi buột miệng hỏi: “TP Hà Nội mới có quy định cấm nuôi gia súc ở khu đô thị và nếu nơi này bị thu hồi thì trang trại và đàn trâu sẽ ra sao?”. Ông thoáng nghĩ ngợi, rồi trầm giọng: “Cây cối thì Nhà nước sẽ đền bù. Còn đàn trâu thì tiếc lắm! Đó là cơ nghiệp và niềm say mê cả đời của vợ chồng tôi mà…”.
Ông Tiến dừng lời, mắt đăm đắm nhìn theo mấy con trâu mẹ đang nghểnh mõm gọi lũ nghé con vừa ngơ ngác đùn đẩy nhau ra khỏi chuồng. Tiếng nghé ọ vang vọng cả bãi sông chiều cuối năm.