Tích cực phòng chống rối loạn tâm thần ở NCT
Chăm sóc NCT 11/12/2023 09:11
Theo số liệu thống kê ở Việt Nam, số người rối loạn tâm thần ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 15 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính chiếm khoảng 2,5%. Như vậy, việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. Do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn. Dự báo những năm tới, số người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam nói chung và số người tâm thần là NCT nói riêng có xu hướng tăng cao. Điều này tạo sức ép rất lớn về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần ở Việt Nam.
Hội nghị tập huấn về công tác phòng chống rối loạn tâm thần ở NCT |
Để làm tốt công tác an sinh xã hội cho NCT bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí nói chung, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Với các mục tiêu cụ thể sau:
Người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.
Người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng, có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, thuộc hộ nghèo khi có nhu cầu, được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. 100% người tâm thần lang thang không nơi nương tựa được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn.
Bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và trẻ em tự kỉ có CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; người tâm thần, trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật. Có ít nhất 80% số người trầm cảm, trẻ em tự kỉ và người bị rối nhiễu tâm trí được tư vấn, trị liệu tâm lí, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, các cơ sở y tế.
Gia đình có người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và trẻ em tự kỉ được tập huấn nâng cao nhận thức, kĩ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và trẻ em tự kỉ.
Cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.
Bảo đảm việc duy trì và nhân rộng 18 mô hình CLB như: Giáo dục trẻ tự kỉ, người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí; hỗ trợ gia đình có người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí khởi nghiệp; phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người tâm thần; CLB trợ giúp người tâm thần.
Hằng năm Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động tập huấn phục hồi chức năng, phương pháp chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỉ, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Trong những năm qua, hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và thu được nhiều kết quả. Các nội dung hoạt động như quản lí, điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm đạt kết quả tốt. Phát hiện, lập hồ sơ điều trị, quản lí cho bệnh nhân phát hiện mới. Đào tạo, tập huấn, giám sát chuyên môn hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần được duy trì thường xuyên qua các năm.