Thương người như thể thương thân
Đời sống 22/05/2024 09:23
Sinh năm 1960, tên khai sinh là Hà Thị Lưu Lâm, nhưng từ lâu người nhà và thôn xóm vẫn gọi bà là Hà Thị Lưu. Cha bà là Hà Thế Lãng sinh năm 1930, năm 1959 đi nghĩa vụ quân sự đến năm 1961 ra quân. Năm 1962, đảng viên Hà Thế Lãng xung phong tái ngũ rồi vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam và hi sinh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mộ liệt sĩ Hà Thế Lãng hiện ở Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt (Lâm Đồng). Mẹ bà là Nguyễn Thị Vị, sinh năm 1932, tham gia du kích địa phương chống Pháp rồi tình nguyện trong đội hình TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và sau đó trở về địa phương tiếp tục công tác phụ nữ tại xã. Cụ Nguyễn Thị Vị tuy tuổi cao nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Là con một, nên bà Hà Thị Lưu luôn ở cùng mẹ để sớm hôm chăm sóc, trọn đạo làm con…
Bà Hà Thị Lưu thăm và tặng quà một cháu có hoàn cảnh khó khăn. |
Niềm nở, thân tình, bà Hà Thị Lưu kể đôi nét về cuộc đời của bà. Tốt nghiệp cấp 3, thi đỗ vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ngày 21/7/1980, sinh viên Hà Thị Lưu xung phong trong đội quân cứu thương tại mặt trận biên cương Vị Xuyên (Hà Giang) cho đến cuối năm 1983 thì trở về trường học tiếp. Song, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nên Hà Thị Lưu đành phải rời giảng đường đại học đi lao động xuất khẩu sang Đài Loan vào làm ở Bệnh viện Đài Bắc trọn 3 năm.
Về nước, xây dựng gia đình, vừa cùng chồng chăm nuôi các con, Hà Thị Lưu “chọn nghề” chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện. Nghề này đòi hỏi cao về lòng thương người cùng sự chu đáo, thân thiện, tận tâm với người bệnh. Bà Hà Thị Lưu có đầy đủ những yếu tố ấy nên luôn được nhiều người mời giúp tại những bệnh viện lớn ở Hà Nội và ở TP Hồ Chí Minh…
Khi các con đã có công việc và gia đình riêng ổn định, bà Hà Thị Lưu vừa chuyên tâm giúp người bệnh trọng vừa làm từ thiện gíúp người bần hàn, khó khăn, thương tật, bị thiên tai… Tính từ năm 2016 đến 5/2024, mỗi năm bà đã giúp 6-7 trường hợp ở quê hương cùng nhiều tỉnh thành về tiền, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập, gạo…
Được biết, ở đâu có trường hợp khó khăn nếu không có điều kiện đến trực tiếp, bà đều gửi qua đường bưu điện hoặc nhờ ai đó chuyển giúp đến nhiều địa chỉ ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng cùng nhiều tỉnh ở miền Trung… Chúng tôi được xem hàng chục “vận đơn” của Bưu điện mà bà Hà Thị Lưu đã gửi hàng giữ lại, trong đó có mấy “vận đơn” gửi cho Lò Quang Thóm ở bản Vật, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tặng hàng trăm cân quần áo các loại cho bà con bản này…
Từ lòng “thương người như thể thương thân”, bà Hà Thị Lưu lặng lẽ làm, lặng lẽ hiến tặng theo phương châm “của ít, lòng nhiều”.
Điều băn khoăn khi chúng tôi hỏi kinh phí để trao tặng lấy ở đâu? Bà Hà Thị Lưu cho biết: “Tôi không vận động, không đề nghị tập thể, cá nhân nào cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ. Nguồn kinh phí ấy là do chính từ công sức lao động của tôi. Tháng nào làm được nhiều thì tặng nhiều, làm được ít thì tặng ít, song, tấm lòng luôn hướng về những số phận không được may mắn…”.
Cùng chồng lo toan chu đáo việc gia đình, con cháu; tận tâm chăm sóc mẹ đại thọ sớm hôm; quan hệ xã hội rộng mở, thân thiện; nhiệt tình lao động để có thu nhập và luôn dành sự chia sẻ, giúp đỡ người khác thật sự là nét đẹp về nhân cách của bà Hà Thị Lưu.
Chúng tôi bày tỏ sự cảm phục, bà Hà Thị Lưu cười hiền, nhỏ nhẹ bảo rằng những việc bà làm có đáng gì đâu vì “người với người sống để thương nhau”. Bà luôn tâm nguyện phải sống như thế nào cho xứng đáng là con của liệt sĩ thuộc đơn vị 810 anh hùng.