Thương hiệu Việt - lắm “sãi không ai đóng cửa chùa”
Kinh tế 26/05/2021 09:21
Năm 1982, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng của Việt Nam bị Công ty Việt Hương Fishsauce, Hoa Kỳ, được Cơ quan đăng kí nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc độc quyền tại Mỹ rồi tại Cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc, Australia. Hình ảnh thương hiệu mà Công ty Việt Hương đăng kí bảo hộ có chữ “Phú Quốc” kèm logo hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam.
Từ 1997, Công ty Vinamit đưa mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành sang Trung Quốc, nhưng chỉ đăng kí bảo hộ bản quyền thương hiệu bằng tiếng Việt nên bị chính nhà phân phối của mình đăng kí độc quyền thương hiệu này bằng tiếng Hán. Họ khống chế thị trường của Đức Thành và nhanh chóng cho ra một sản phẩm tương tự. Phải mất 3 năm theo kiện, Công ty Vinamit mới đòi lại được thương hiệu của mình.
Gạo thơm Sóc Trăng ST25 là kết quả nghiên cứu suốt 20 năm của kĩ sư Hồ Quang Cua, đạt danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới 2019" tại Philippines và giải nhì tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới 2020" tại Mỹ. Ai ngờ mới đây thương hiệu ST25 bị 5 doanh nghiệp Mỹ và một doanh nghiệp Australia nhanh tay đăng kí.
Thương hiệu nước mắm Phú Quốc rồi Vinamit bị thiên hạ nẫng tay trên cách đây vài chục năm, có thể châm chước. Song đến nay mà thương hiệu gạo ST25 vẫn bị thiên hạ nhanh tay cuỗm mất thì quả là xót xa…
Một kho người lo
Có thể nói thương hiệu là một trong những lĩnh vực giành được sự quan tâm trong tiến trình hội nhập và thành điều luật trong Luật Kinh tế, rồi Nghị định, Thông tư, Chiến lược. Riêng về gạo, ngày 21/5/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”.
Năm 2003, khởi sự Chương trình thương hiệu quốc gia, phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của các vùng miền và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cốt lõi cũng là vấn đề thương hiệu. Hằng năm, cứ đến ngày thương hiệu Việt Nam 20/4, pa nô, báo chí tuyên truyền, quảng bá rầm rộ. Chưa kể hàng tá sự kiện vinh danh và nhiều hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm về thương hiệu. Ai nấy đều vui vì thương hiệu Việt đang lớn lên cùng đất nước và các doanh nghiệp thấu hiểu việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ luôn mang tính sống còn…
Vì thế, Hội đồng Thương hiệu quốc gia cũng hùng hậu hơn với nhiều lãnh đạo các ngành kinh tế - kĩ thuật, nhiều cố vấn là những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu. Dưới đó còn các trung tâm tư vấn, hỗ trợ thuộc các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu… sẵn sàng xả thân vì thương hiệu.
Lắm sãi không ai đóng cửa chùa
Chính vì có nhiều người lo cho thương hiệu nên khi gạo ST25 đoạt được danh hiệu, giải thưởng, ai cũng thấy mình có công. Thế nhưng khi có chuyện xảy ra với gạo ST25 thì ai cũng coi là việc của người sinh ra nó.
Cơ quan công quyền cho rằng, họ chỉ ra văn bản, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, bảo vệ thương hiệu…, chứ không làm thay doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì yên trí rằng sản phẩm của mình được giải thưởng, danh hiệu thì mặc nhiên là có thương hiệu, không phải cậy nhờ ai để làm nên thương hiệu. Thế là… miếng ngon bỏ giữa chợ, không ai bưng mất mới lạ.
Đến nước này thì Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua chắc đã thấm. Xót công, tiếc của ròng rã 20 năm sinh ra gạo ST25 lẽ nào thành công dã tràng, nên ông đã cậy cục nhờ vả người đăng kí thương hiệu, nhưng chỉ nhận được từ cơ quan công quyền những lời… động viên. Có lẽ nghĩ chặng đường đòi lại danh vị cho “đứa con” của mình sẽ lê thê, rắm rối, tốn kém và mệt mỏi, nên nghe đâu ông xin hiến vinh quang này cho… Nhà nước.