Trân trọng hành trình “Thương hiệu quốc gia”
Xã hội 02/11/2022 09:25
Trong vận hội mới, thương hiệu càng là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy tiến trình hội nhập và phát triển của quốc gia, từng ngành hàng và cộng đồng DN. Chương trình thương hiệu quốc gia (THQG) - Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ đã ra đời,đáp ứng kịp thời thực hiện mục tiêu cao cả đó, góp sức nâng tầm DN vươn cao, chắp cánh cho hàng Việt bay tới bầu bạn bốn phương.
Qua gần 19 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các DN, Nhà quản lí cũng như người tiêu dùng, tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, DN tiêu biểu Việt, góp phần khẳng định nước ta là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng,năng lực cạnh tranh ngày càng cao trên trường quốc tế.
Lễ công bố sản phảm đạt THQG năm 2020. |
Một trong các hoạt động đỉnh cao của Chương trình là “Lễ Công bố sản phẩm đạt THQG” được tổ chức 2 năm một lần. Lễ Công bố lần thứ 8 năm 2022 có 172 DN với 325 sản phẩm đạt THQG, tăng 48 DN so với 2020, được chọn lọc từ vài ngàn sản phẩm của hơn một nghìnDN thuộc các ngành nghề lĩnh vực trong cả nước, được Hội đồng THQGxét duyệt có sự tư vấn của hàng chục chuyên gia đầu ngành và đồng thuận của các ngành có liên quan.
Trong đợt vinh danh lần này có một số tên tuổi mới nổi lần đầu xuất hiện như VAS Nghi Sơn; Nova Land; Bảo Việt; VNPT. Cùng với đó,có những sản phẩm, dịch vụ vừa nổi danh như thanh toán điện tử, quản lí khách sạn, du lịch trải nghiệm…làm nên sự đa dạng cho Chương trình.
Hành trình THQG ghi nhận sự gia tăng về giá trị các thương hiệu.Nếu năm 2019, giá trị THQG mới chỉ được Brand Finance - Hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập, trụ sở tại London, Anh quốc,định giá là 247 tỉ USD, năm 2020 là 319 tỉ USD tăng 29,1% so với 2019; năm 2021 là 388 tỉ USD tăng 21,6% so với 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỉ USD tăng 11,1% so với 2021. Riêng báo cáo năm 2022 của Brand Finance, THQG của Việt Nam có 3 điểm nổi bật:
Tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển THQG và là THQG có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thê giới giai đoạn 2019-2022 (74%).
Bất chấp những hậu quả đại dịch và những, bất ổn trên thế giới, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị THQG mạnh trên thế giới. Nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp thứ 42; năm 2020 lên thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33, 2022 lên thứ 32.
Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của DN trong Top 50 thương hiệu DN giá trị nhất Việt Nam; có mức tăng trưởng về giá trị cũng cao là 36% (hơn mức tăng cùng tiêu chí của Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật và Thái Lan). Trong số những DN có giá trị thương hiệu dẫn đầu có sự góp mặt của các tên tuổi có sản phẩm đạtTHQG như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…
Tuy vậy, với khát vọng vươn lên, không thể thỏa mãn với hiện tại, đặc biệt trên mặt trận xuất khẩu phải có nhiều hơn nữa sản phẩm Việt danh tiếng chinh phục được nhu cầu cao tại các thị trường lớn, đồng thời phải chủ động bảo vệ, không để thương hiệu bị đánh tráo, nẫng tay trên. Cả hai mặt xây dựng và bảo vệ thương hiệu đều có ý nghĩa, tầm quan trọng như nhau.
Muốn vậy, cần lan tỏa sức hấp dẫn của các sản phẩm, tính đầu tàu của các DN có sản phẩm đạt THQG, khuyến khích sự bền vững trong suốt quá trình phát triển, không ăn sổi, khi tạm lắng, lúc lại lên. Tăng cường quảng bá, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của DN đạt THQG. Không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ DN duy trì và phát triển thương hiệu.