35 năm xuất khẩu gạo: Cần lắm một thương hiệu gạo quốc gia
Kinh tế 29/04/2024 10:30
1. Giữa tháng 11/2019, sau khi gạo ST25 đoạt giải nhất cuộc thi World's Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) do The Rice Trader World (Tổ chức Thương mại gạo Quốc tế) tổ chức tại Manila, Philippines, tôi đã gặp Anh hùng Lao động, KS Hồ Quang Cua để viết về quá trình ông và hai đồng nghiệp là TS Trần Tấn Phương, ThS Nguyễn Thu Hương lai tạo để có giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới và hi vọng ST25 sẽ là thương hiệu đại diện cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đúng 4 năm sau, cuối tháng 11 đầu tháng 12/2023, cũng tại Manila, một lần nữa ST25 lại đứng nhất cuộc thi ấy.
Rất mừng là ST25 hai lần được công nhận là gạo ngon nhất trong hàng ngàn loại gạo của thế giới, lại càng mừng khi năm rồi Việt Nam xuất khẩu gạo đạt mức kỉ lục. Nhưng cũng không mấy vui vì đúng 35 năm Việt Nam miệt mài xuất khẩu gạo, từ thấp nhất 1,37 triệu tấn, thu về 310 triệu USD trong hai tháng cuối năm 1989, đến 8,13 triệu tấn thu về 4,7 tỉ USD năm 2023, có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ mà đến giờ này, người tiêu dùng các nước hầu như không biết đến thương hiệu gạo Việt Nam.
Trên cánh đồng lúa ST25. |
Nói vậy sẽ có người “phản ứng”: Tại lễ khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III năm 2018, tổ chức tại TP Tân An, tỉnh Long An, ngày 18/12 năm ấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố logo thương hiệu Gạo Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. Xin thưa, logo do hoạ sĩ Nguyễn Nghiêm sáng tác, với bông lúa cách điệu mang biểu tượng chim Lạc Việt nằm trên nền xanh hình elip tượng trưng cho hạt gạo cùng chữ VIETNAM RICE là “chỉ dẫn chung chung”, để doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể dán hay in trên bao bì, đó chưa phải là thương hiệu một loại gạo mà người tiêu dùng nhớ đến mỗi khi cần mua. Bởi logo thương hiệu phải khẳng định được sự khác biệt giữa vô vàn sản phẩm cùng loại, một thương hiệu mạnh sẽ không thể thiếu một logo độc đáo, dễ nhận diện.
Nguyên nhân thì có nhiều, đã được các nhà kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, cả người dân làm ra hạt lúa phân tích, chỉ ra, trong đó nguyên nhân chính là chủ trương sản xuất lúa hướng đến số nhiều để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Đó là “hội chứng” lo ngại xuất phát từ việc nước ta từng thiếu gạo kéo dài đến gần hết thập niên 1980. Sản xuất hướng đến sản lượng nên các nhà khoa học nông nghiệp tập trung lai tạo những giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo không cao, và lượng gạo xuất khẩu cũng từ những giống lúa ấy, lại đóng bao 50kg hay bán theo hàng xá, phẩm cấp theo tỉ lệ tấm 5%, 10%, 15%, 20%. Do đó, trong 30 năm, từ 1989 đến gần cuối năm 2018, Việt Nam chưa có được loại gạo thật ngon để làm thương hiệu.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là các cơ quan hữu trách không có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 cũng không đề cập đến việc xây dựng thương hiệu gạo, cũng không có loại gạo mang tên riêng mà chỉ chung chung là “gạo thơm”, “gạo đặc sản”.
Vì thế, 35 năm miệt mài xuất khẩu, đến nay gạo Việt Nam vẫn không thương hiệu!
2. Từ tháng 10/2018, gạo ST24 đã lọt vào tốp gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice ở Hà Nội, rồi đoạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam tổ chức ngày 4/11/2019. Mươi ngày sau, Việt Nam đã có ST25 đoạt giải nhất cuộc thi World's Best Rice như đã kể ở trên. Rồi mấy cuôc thi quốc tế hằng năm nữa, ST25 về nhì, nhưng cuối năm vừa qua, ST25 của KS Hồ Quang Cua lại đứng nhất cuộc thi ấy cùng với gạo ST24 (cũng của KS Hồ Quang Cua), gạo LT28 và Nàng Hoa 9 của Tập đoàn Lộc Trời, gạo TBR39-1 và nếp A Sào của Tập đoàn ThaiBinh Seed được The Rice Trader World công nhận thuộc tốp gạo ngon nhất thế giới.
Qua những cuộc thi ấy, càng khẳng định chất lượng và vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Như vậy, muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thì hiện nay đã có đủ điều kiện, nhưng bằng cách nào? Đã có nhiều đề xuất về vấn đề này từ các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nhân. Xin tóm lược những đề xuất ấy:
Đầu tiên, phải được phép tích tụ ruộng đất để có những cánh đồng vài nghìn hécta trở lên, tức là tạo điều kiện cho doanh nghiệp canh tác lúa với quy mô lớn. Thứ hai là Nhà nước đầu tư trực tiếp vào những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo bằng cách cho vay trung dài hạn với số tiền đủ lớn, lãi suất ưu đãi. Thứ ba là chú ý đặc biệt đến giống, mà hiện nay là 5 loại giống kể trên, nhất là ST25. Thứ tư là đóng gói gạo từ 1 đến 5kg, bao bì thật đẹp và đầy đủ thông tin theo thông lệ quốc tế. Thứ năm là tăng cường quảng bá gạo có thương hiệu ra thế giới thông qua hội chợ, triển lãm, thông qua Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam ở các nước. Muốn vậy, theo GS-TS Võ Tòng Xuân là “Phải bắt đầu từ Nhà nước và từ doanh nghiệp, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân cùng với kĩ thuật chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch của các nhà khoa học”.
3. Nhân đây xin vắn tắt về quá trình tạo ra hai loại gạo số 1 thế giới.
Để có được ST24, ST25 hạt dài, sáng, trong, không bạc bụng, cơm dẻo, thơm hương dứa, hương cốm, hàm lượng đạm cao, KS Hồ Quang Cua, sau này thêm hai cộng sự là TS Trần Tấn Phương, ThS Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo từ rất nhiều giống lúa và không ngừng cải tiến trong hơn 10 năm.
Năm 1979, tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, Hồ Quang Cua trở về quê làm nhân viên ở Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên rồi dần dần lên đến chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nhưng không mấy khi ở văn phòng. Ông cùng nông dân Sóc Trăng lội ruộng chống sâu rầy, ốc bươu vàng và luôn đau đáu làm sao lai tạo được giống lúa ngắn ngày, cho gạo thật ngon, năng suất cao, chống được dịch bệnh.
Gần Tết năm 1996, KS Hồ Quang Cua tình cờ phát hiện những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài trên một cánh đồng vùng Bãi Xàu (tên gọi trước đây, sau này thuộc huyện Mỹ Xuyên). Với con mắt nhà nghề, ông biết đây là những cá thể đột biến của giống lúa cho gạo rất ngon chỉ có ở Bãi Xàu mà thời Pháp đô hộ đã xuất qua Hồng Kông và vài nước Châu Âu. Từ đó, ông lai tạo, nhân giống từ “cây lúa lạ” với hàng loạt giống lúa thơm như KDM mà GS-TS Võ Tòng Xuân mang về từ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), bộ sưu tập giống lúa thơm của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và giống lúa Khao Dawk Mali 105 mà qua GS Võ Tòng Xuân, IRRI chuyển giao cho Sóc Trăng trồng khảo nghiệm cùng một số giống lúa bố mẹ thu thập từ Đài Loan (Trung Quốc), Bangladesh, Thái Lan và một số khu vực trong nước để cho ra đời trên 1.000 cá thể đột biến, trồng thử nghiệm rồi tiếp tục lai tạo, chọn những cá thể vượt trội nhất. Hành trình đó cũng phải mất hơn 10 năm mới có giống lúa gene thơm kết hợp gene ngắn ngày, cao cây (110 - 115cm), lá xanh lâu để nuôi hạt tốt, thân cứng, ít bị đổ ngã, chịu phèn, chịu mặn nên trồng được trên nhiều loại đất và dễ luân canh lúa - tôm hay một vụ lúa kết hợp nuôi một vụ tôm, thích nghi với thổ nhưỡng nhiều địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân, được đặt tên Sóc Trăng (ST), từ ST1 đến ST25 ngày nay.
Các giống lúa cho gạo từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới là Hom Mali, Jasmine, Paw Son chỉ trồng một vụ/năm, chu kì sản xuất 150 ngày, năng suất khoảng 4 tấn/ha, còn ST 24, ST25 có chu kì 95 ngày nên mỗi năm có thể canh tác ba vụ, năng suất 5,5 - 6 tấn/vụ.
Thế giới đang theo xu hướng tiêu dùng nông sản an toàn, thân thiện với môi trường, đồng nghĩa với việc phải sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, ST24, ST25 đáp ứng được yêu cầu ấy vì không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá, khoang cổ bông và một số bệnh khác nên cho gạo sạch.
Trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 giữa tháng 11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố kế hoạch sản xuất 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và phát thải khí nhà kính thấp, thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường với cộng đồng quốc tế, càng tạo điều kiện để 5 giống lúa cho gạo ngon nhất kể trên, nhất là gạo thơm ST24, ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi đối với các nhà khoa học nông nghiệp, nhà nhập khẩu lúa gạo và các đầu bếp nổi tiếng thế giới chiếm ưu thế xuất khẩu, mà muốn xuất khẩu với số lượng lớn và bền vững thì phải có thương hiệu!