Thừa Thiên Huế: Nghi vấn nứt nhà, sụt lún ruộng vườn do doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá
Pháp luật - Bạn đọc 02/07/2019 08:32
Công ty Đồng Lâm đã đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy xi măng Đồng Lâm vào năm 2011, đi vào hoạt động cuối năm 2014, trên diện tích 190ha. Trong quá trình hoạt động, việc khai thác nguyên liệu tại mỏ đá đã gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Các hộ xung quanh phản ánh nhà bị nhiều vết nứt sau khi Công ty Đồng Lâm nổ mìn khai thác đá; cạn kiệt nước nguồn ngầm khiến giếng đào cạn khô, ruộng bỏ hoang, ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tốn (74 tuổi) cho biết: “Mỏ đá này được khai thác vào năm 2014, từ đó hàng trăm hộ dân các thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quảng Lộc (xã Phong Xuân) bị ảnh hưởng, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Mỗi lần nổ mìn khai thác đá là cả khu dân cư rung chuyển, nhiều căn nhà trong thôn bị nứt nẻ. Nhà tôi ở cách khu vực nổ mìn khoảng 300m cũng bị nứt nhiều vị trí. Sau đó phía Công ty Đồng Lâm cũng hỗ trợ bằng tiền, xi măng để khắc phục tạm thời nhưng về lâu dài không bền vững được. Chúng tôi mong chính quyền phối hợp với nhà Công ty Đồng Lâm sớm có biện pháp để người dân ổn định cuộc sống".
Bà Nguyễn Thị Thu dẫn phóng viên đi xem các vết nứt trong căn nhà của mình bức xúc nói: “Không chỉ làm nứt nhà, mà mỗi lần Công ty Đồng Lâm nổ mìn là đất đá văng khắp mặt ruộng; hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và nước ngầm cạn khô, đất đai thể trồng trọt gì được nữa. Bây giờ chúng tôi không biết sinh sống thế nào? Trước đây, với 1,2 mẫu đất mỗi năm làm được 2 vụ, chưa bao giờ gia đình bị thiếu đói. Nhưng bây giờ không sản xuất được cũng chẳng biết trồng cây gì. Chúng tôi nhiều lần gửi đơn với mong muốn được đền bù thỏa đáng nhưng chẳng ai giải quyết”.
Người dân địa phương cho biết thêm, mỏ đá của Công ty Đồng Lâm đi vào khai thác còn làm cánh đồng Mõm Lang liên tiếp xuất hiện các hố sụp lún sâu, rộng khiến cánh đồng lúa phải bỏ hoang, thành bãi chăn trâu. Tuy nhiên, vật nuôi khi ăn ở khu vực này cũng là nạn nhân của các hố sụt lún.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, mấy tháng trước đàn trâu của gia đình khi đang chăn thả trên đồng Mõm Lang thì một con bất ngờ sụp xuống hố sâu. Con trâu mắc cứng, không vùng vẫy được, ông phải nhờ người trong làng giải cứu mất hơn 5 giờ đồng hồ mới kéo được trâu lên.
Cách đó không xa là cánh đồng Động Cát cũng bị sụt lún nghiêm trọng khiến việc dẫn nước vào ruộng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hà có hơn một mẫu ruộng ở cách đồng này cho biết: thửa ruộng nhà ông bất ngờ xuất hiện một hố sụt lún rộng 2 mét, sâu hơn một mét. Sau khi trình báo, Công ty Đồng Lâm đã cho người đến khảo sát và thực hiện san lấp lại hố. “Phía Công ty Đồng Lâm đến trả tiền công nhờ tôi san lấp. Mất gần hai ngày với ba người mới lấp xong cái hố này. Nhưng không phải lấp xong mà ruộng dẫn nước được. Sau khi có cái hố thì ruộng không giữ nước được lâu, cứ dẫn vào nước đầy hôm trước thì sáng hôm sau ra thăm đã khô cạn. trong khi đó trước đây được 5 đến 10 ngày nước mới cạn. Nói chung giờ làm ruộng ở đây mất công lắm, phải đi thăm thường xuyên chứ không ruộng khô, nứt nẻ vì bị cạn nước.
Theo thống kê của UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền toàn xã có hơn 25 ha ruộng, đất hoa màu của người dân ở các thôn gần khu vực mỏ đá có xảy ra sụt lún. Mặc dù đã có hỗ trợ bước đầu nhưng các hộ dân lo ngại an toàn nên có khoảng 3,3ha từ lâu nay bỏ hoang, không canh tác.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin: Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Công ty Đồng Lâm sớm tìm ra những giải pháp khắc phục bền vững lâu dài, không để xảy ra hiện tượng này nữa cho người dân yên tâm sản xuất...
Được biết, vào cuối năm 2018 huyện Phong Điền đã tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Phong Xuân. Qua đối thoại cho thấy bức xúc của người dân là đúng. Lãnh đạo huyện yêu cầu Chính quyền xã Phong Xuân phối hợp với Công ty Đồng Lâm xem xét lại những nhà đã sửa chữa, nếu tiếp tục rạn nứt thì phải có phương án kịp thời nhằm đảm bảo cuộc sống người dân. Về lâu dài, xã phối hợp với Công ty Đồng Lâm có phương án cụ thể để di dời người dân nằm trong khu vực giáp danh cách mỏ 300m và phải hoàn thành trong năm 2019.
Báo Ngày mới Online sẽ tiếp tục phản ánh về xung quanh việc khai thác nguyên liệu sản xuất xi măng của Công ty Đồng Lâm.