Tảo tần nghề nấu xu xoa
Đời sống 28/07/2020 09:42
Nghề mẹ truyền con nối
Ở Quảng Nam, người ta hay truyền nhau câu ca dao về món ẩm thực ngon, mát, bổ, rẻ: “Xu xoa một vốn bốn lời/ Anh về bỏ vợ cưới người xu xoa”.
Cụ Nguyễn Thị Liền 84 tuổi có “thâm niên” nấu xu xoa gần 50 năm. Chị Hoa hồi mới về làm dâu cụ chỉ phụ giúp mẹ chồng nấu xu xoa, rồi bén duyên với nghề lúc nào không hay. Hơn 20 năm qua, lò xu xoa “mẹ truyền con nối” của cụ Liền luôn đỏ lửa. Từ 4 - 5 năm nay cụ Liền không nấu nữa mà chuyển nghề cho con dâu, nhưng khi được hỏi về nghề này, ánh mắt cụ sáng lên đầy hứng khởi.
Cụ kể, từ khi 15 tuổi, cụ và các bạn đã phụ mẹ nấu xu xoa và dần dần thạo nghề. Ngày trước, đồ ăn vặt không nhiều nên món xu xoa được nhiều người mua để ăn bữa xế, vừa no bụng vừa giải nhiệt. Lò xu xoa ngày xưa đỏ lửa cả ngày, nấu hết mẻ này đến mẻ khác mới đủ bỏ xỉ cho các bạn hàng.
Cụ Liền kể về nghề làm xu xoa |
Nguyên liệu để nấu xu xoa là rau câu - loại rau mọc tự nhiên tại vùng nước lợ, ở đìa tôm, gần đây mới được trồng nhân tạo. Người ta thu hoạch rau câu tự nhiên từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch. Bởi vậy, người làm nghề nấu xu xoa phải mua trữ rau câu để nấu quanh năm.
Cũng theo cụ Liền, để chế biến sợi rau câu thành xu xoa phải trải qua rất nhiều công đoạn, phải ngâm đủ 6 - 8 tiếng, chờ rau ráo nước, rồi tỉ mẩn kiểm tra lại. Công đoạn này không khó nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì nếu còn sót lại tạp rác thì nồi xu xoa không thể đông. Buổi tối, khi cơm nước xong xuôi, chị Hoa nổi lửa cái lò lớn đắp đất và nấu xu xoa bằng những cây củi to, làm gia tăng cái nóng của mùa Hè. Chị bảo, rau câu phải nấu trong 3 tiếng với ngọn lửa không quá to cũng không quá nhỏ để rau chín đều, không bị nát, bở.
Xu xoa món ăn dân dã bán ở phố chợ Hội An |
Gần nhà chị Hoa có bà Liên cũng gắn với nghề nấu xu xoa gần 40 năm. Khác với chị Hoa, bà Liên nổi lửa nấu xu xoa sớm hơn, tầm 4 hoặc 5 giờ chiều. Bà chia sẻ, trước đây người làng không dùng nước cốt chanh mà dùng lá bứa, có tính mát, vị chua được hái trên rừng đem về ngâm để dành dùng mỗi năm. Xu xoa cho nước lá bứa đủ độ chua mới đông và thơm ngon. Những năm gần đây, không mua được lá bứa, bà con thay bằng nước cốt chanh. Khi xu xoa đông cứng thì thắng nước đường với gừng cho vào để có mùi vị thơm đượm. Người nấu xu xoa sành nghề là người biết kết hợp liều lượng vừa phải để không quá ngọt.
Xu xoa từ làng ra phố
Cụ Liền bảo, những năm trước, xu xoa của làng đã ra phố theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Còn chị Hường, một người bán xu xoa 16 năm nay cho biết: Trước ở làng Triêm Đông có bà dì ra Đà Nẵng lấy chồng và mang theo nghề xu xoa. Các chị theo xe bus ra Đà Nẵng ở nhờ nhà bà rồi lấy xu xoa bà nấu đem bán. Sau này, nhiều người làng Triêm Đông nấu xu xoa bỏ xỉ cho các bạn hàng ở Hội An, Đà Nẵng. Vào mùa nắng cả làng có đến 50 người vừa nấu, vừa bán xu xoa.
Bà Liên bảo, ở thành phố, nhiều người nấu xu xoa bằng bột công nghiệp nhưng nhạt nhẽo, khác xa xu xoa làng Triêm Đông. Xu xoa nấu bằng rau câu của Triêm Đông phảng phất hương vị tanh nồng của biển quyện với mùi gừng tươi, nước cốt dừa thơm dịu nhẹ tạo sức hấp dẫn kì lạ. Những người phụ nữ của làng vừa làm nông, vừa nấu xu xoa nên khi thu hoạch mùa bận rộn, nhiều người nghỉ nấu. Bạn hàng nhiều năm của họ cũng nghỉ luôn chứ nhất định không chịu lấy xu xoa nấu từ bột công nghiệp.
Bà Liên cho biết: “Vài năm nay, giá bán xu xoa cao hơn do giá đường và rau câu khô tăng. Dẫu vậy, khách sành ăn vẫn tin dùng xu xoa làng Triêm Đông, bởi chúng tôi nấu bằng cả tấm lòng, mọi thứ đều ngon, sạch”.
Bán giá 10.000 đồng/li xu xoa mát lạnh. Bà Hồng bảo: “Tôi giờ lớn tuổi rồi, không mang xu xoa đi xa bán được. Cứ cần mẫn như này, mỗi ngày cũng kiếm được từ 250.000 - 300.000 đồng trang trải cuộc sống, lại cung cấp được thực phẩm sạch cho bà con giải nhiệt mùa Hè”.
Dù mang xu xoa ra phố hay chỉ nấu và bán tại làng, những người phụ nữ làng Triêm Đông vẫn đang tảo tần, chịu khó để giữ nghề và phát triển kinh tế gia đình. Hơn nữa, họ mang đến cho thực khách trong làng, ngoài phố một món ăn dân dã, mát lành để giải cơn nắng nóng của miền Trung.