Tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi
Đời sống 07/08/2019 08:59
Chịu trách nhiệm giải trình chính là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cùng các bộ, ngành liên quan như: Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Giao thông - Vận tải.
Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; Trung ương Hội NCT Việt Nam; Hội Bảo trợ NKT và trẻ em mồ côi Việt Nam; Liên Hiệp hội về NKT Việt Nam...
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về NCT và NKT vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Mức trợ cấp thấp; một số người chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, việc làm; nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế; một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT và NKT; năng lực cán bộ cơ sở làm công tác trợ giúp xã hội còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội hết sức quan trọng này…
Toàn cảnh phiên giải trình |
Là cơ quan của QH chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Luật NCT và Luật NKT, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban tổ chức phiên giải trình nhằm đánh giá trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong thực hiện công tác NCT, NKT, qua đó có căn cứ và cơ sở thực tiễn nhằm điều chỉnh chính sách và tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số và tình trạng khuyết tật ngày càng gia tăng, thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền của đối tượng yếu thế nói chung và NCT, NKT nói riêng. Phiên giải trình là diễn đàn mở với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích công khai, minh bạch trước cử tri và Nhân dân cả nước về thực trạng quản lí nhà nước trong công tác NCT, NKT; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước có liên quan...
Báo cáo tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận thực tế triển khai các hoạt động của một số bộ, ngành, địa phương với công tác NCT còn chậm, chưa chủ động lồng ghép các hoạt động của ngành với công tác NCT. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với NCT, thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, còn coi công tác NCT chỉ là hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở một số địa phương miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Đời sống của NCT, NKT còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao so với tỉ lệ hộ nghèo chung của cả nước trong khi mức trợ cấp xã hội còn thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% so với chuẩn nghèo nông thôn. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho NCT, NKT còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đúng mức.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ nhất trí với quan điểm của các đại biểu về việc nâng mức trợ cấp xã hội đối với NCT và NKT, cố gắng sớm nhất cuối năm nay sẽ báo cáo Chính phủ xem xét vấn đề này. Nhất trí việc cần xem xét giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 hiện nay xuống 75; sớm nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030 bao gồm các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò theo hướng tạo điều kiện để NCT còn khả năng lao động được tham gia làm việc.
Trong phiên giải trình, nhiều vấn đề được các đại biểu hỏi và trao đổi lại những nội dung cử tri đề cập như chính sách vay vốn, việc làm cho NCT; lập hồ sơ quản lí theo dõi sức khỏe của NCT ở các địa phương. Đặc biệt, thời gian sửa đổi Luật NCT dự kiến đến năm 2021 rất bất cập với tình hình thực tế hiện nay... Các Bộ trưởng, đại diện các bộ đã giải trình các vấn đề thuộc trách nhiệm của các bộ.