Tác hại của mỡ nội tạng đối với sức khỏe
Sức khỏe 14/05/2024 10:37
Nhiều nguy hại từ mỡ nội tạng dư thừa
Mỡ nội tạng là phần mỡ thừa được tích tụ ở những nội tạng quan trọng của cơ thể như tim, gan, tuyến tụy và ruột.
Chất béo có mặt ở khắp cơ thể bạn dưới dạng mô mỡ dưới da, mỡ nội tạng, mỡ tủy, mỡ trong hệ thống cơ và mỡ mô vú... giúp cung cấp năng lượng, duy trì nhiệt độ, hỗ trợ hoạt động của tế bào, các cơ quan và quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Tuy nhiên khi chất béo dư thừa có thể gây ra béo phì. Đặc biệt khi dư thừa mỡ nội tạng sẽ làm bụng nhô ra phía trước gọi là mỡ bụng, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh sau:
Nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Mỡ nội tạng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nó có thể làm tăng tình trạng kháng insulin của cơ thể, ngay cả khi chưa từng mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỡ nội tạng đóng góp phần chống lại insulin. Nguyên nhân là do mỡ nội tạng tiết ra protein liên kết retinol-4 (RBP4) - một loại protein làm tăng khả năng kháng lại insulin của cơ thể. Mỡ nội tạng tích tụ nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc mắc tiểu đường loại 2.
Khiến gan tổn thương
Khi nhắc đến tích tụ mỡ thừa, nhiều người chỉ nghĩ rằng tăng rủi ro mắc các bệnh về tim mạch. Nhưng trên thực tế, tăng mỡ nội tạng cũng có thể tác động đáng kể đến sức khỏe gan, khiến gan dễ bị tổn thương và mắc bệnh.
Tăng cân quá mức, dư thừa mỡ nội tạng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Đây là một tình trạng mà mỡ thừa tích tụ trong gan, dẫn đến viêm gan.
Kháng insulin xảy ra khi các tế bào của cơ thể trở nên phản ứng kém với insulin, dẫn đến tăng đường huyết. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây tổn thương mạch máu, dây thần kinh, gan mà còn nhiều cơ quan khác.
Gây tăng huyết áp, tim mạch và nguy cơ đột qụy.
Mỡ nội tạng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, hoặc huyết áp cao, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Những người có hàm lượng mỡ nội tạng cao có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, bao gồm các bệnh về mạch máu, bệnh mạch vành và các vấn đề với van tim. Ngoài ra, mỡ nội tạng cao khiến cho có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, bệnh tim và cơn đau thắt ngực.
Tăng nguy cơ ung thư
Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng mỡ nội tạng có liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư ruột non, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Bệnh Alzheimer
Cân nặng của cơ thể tương đương với khối lượng não ít hơn, có nghĩa là, khi già đi, chức năng của não sẽ giảm. Hormone leptin được giải phóng bởi các tế bào mỡ có tác dụng phụ trên các tế bào não, ảnh hưởng tới khả năng học tập, trí nhớ và sự thèm ăn. Do đó, bụng càng lớn, càng có nhiều khả năng bị suy giảm chức năng não.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có lượng mỡ nội tạng cao hơn có mức độ tích tụ amyloid trong não cao hơn, cho thấy nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có thể tăng lên. Khi mỡ bụng vượt quá mức trung bình có thể làm tăng 39% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ trong vòng 15 năm so với những người có vòng eo bình thường. Chính vì vậy, việc kiểm soát mỡ nội tạng là rất quan trọng.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phát hiện mỡ nội tạng, có thể thực hiện siêu âm và xét nghiệm máu. Lượng mỡ này tích tụ ở mức cao hơn ngưỡng bình thường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe như: rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp, tim mạch (nhồi máu cơ tim), tiểu đường, giãn tĩnh mạch, thậm chí là ung thư.
Những người bị mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa và lối sống ít vận động là những người có nguy cơ cao bị thừa mỡ nội tạng.
Do đó, để giảm lượng mỡ này, chúng ta cần có chế độ ăn uống lành mạnh và dành thời gian để tập thể dục thường xuyên. Tốt nhất nên giảm tiêu thụ mỡ động vật và các chất béo thực vật tương tự (dầu dừa); giảm tiêu thụ đồ uống có cồn.
Loại bỏ các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao vì chúng sẽ làm tăng đáng kể hàm lượng đường trong máu, tăng sự tổng hợp insulin, dẫn đến việc hình thành chất béo dư thừa. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây.