Tám mươi năm đồng hành cùng dân tộc
TW hội 14/05/2021 17:31
Tiến sĩ người Tày Trương Xuân Cừ |
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ |
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử đấu tranh cách mạng, người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, đã có nhiều người cao tuổi tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước như các đại biểu Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng. Tại Điều 6 Luật Người cao tuổi ghi rõ: “Ngày 6/6 hằng năm là Ngày Người cao tuổi Việt Nam”. Ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hằng năm là Ngày truyền thống NCT Việt Nam nhằm động viên người cao tuổi tiếp tục phát huy truyền thống, kinh nghiệm, nhiệt huyết, giá trị tinh thần cho các thế hệ kế tiếp.
Tự hào trong đấu tranh cách mạng
Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tình hình thế giới ngày càng phức tạp. Ở Châu Âu, quân đội phát xít Đức tấn công Ba Lan, Pháp; Chính phủ phản động Pháp đầu hàng làm tay sai cho phát xít Đức. Ở Viễn Đông, phát xít Nhật tiến sát biên giới Việt - Trung. Thực dân Pháp lo sợ trước phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Đông Dương và phát xít Nhật đe dọa nhảy vào… Trước bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào”, đánh giá cao trách nhiệm, vai trò của các bậc bô lão và cũng ra “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các cụ phụ lão” nhằm tập trung lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này. Lời kêu gọi và hiệu triệu lúc đó đã trở thành vũ khí sắc bén thể hiện ý chí của dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, thu hút sự quan tâm của tất cả các giới trong xã hội, từ các bậc phụ lão đến các hiền nhân, chí sĩ, sĩ, nông, công, thương, binh… Hưởng ứng tinh thần ấy, cả dân tộc đoàn kết quanh Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc; sát cánh cùng Nhân dân cả nước tích cực tham gia nhiều phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Người cao tuổi tích cực luyện tập bóng chuyền hơi rèn luyện sức khỏe |
Trong những năm 1941-1945, đã có hàng chục vạn người cao tuổi tham gia tổ chức Hội Phụ lão cứu quốc; là những tuyên truyền viên tích cực, ủng hộ Mặt trận Việt Minh xây dựng và mở rộng các căn cứ địa cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang của Đảng. Bằng nhiều hình thức sáng tạo, mưu trí, người cao tuổi cùng con cháu nuôi giấu cán bộ, làm giao thông liên lạc và tích cực tham gia binh vận, vận động thanh niên không đi lính cho Pháp, không làm tay sai cho Nhật, tích cực cùng cán bộ xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các cụ ông cụ bà nêu cao vai trò trách nhiệm bảo vệ chế độ dân chủ Nhân dân, giữ vững nền độc lập dân tộc; gương mẫu thực hiện và vận động con cháu tham gia diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, rào làng kháng chiến, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” và ứng phó với những trận càn của địch. Ở vùng tự do, người cao tuổi cùng gia đình, chòm xóm và người dân địa phương thi đua lao động sản xuất, làm ra nhiều lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, đóng góp ngân sách và nuôi cán bộ, bộ đội. Vận động con em, thanh niên tham gia quân đội, thanh niên xung phong trực tiếp cầm súng đánh giặc hoặc mở đường cho xe ra mặt trận… Các Hội mẹ chiến sĩ tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng “hũ gạo nuôi quân”, hết lòng chăm sóc thương binh từ mặt trận đưa về…
GS, TS Phạm Tất Dong phát biểu tại một hội thảo về dân số. Ảnh IT |
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), người cao tuổi hăng hái tham gia 2 nhiệm vụ chiến lược của dân tộc. Miền Bắc xây dựng những cánh đồng 5, 10 tấn thắng Mỹ, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhiều cụ tham gia các đội Bạch đầu quân, đoạt danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”. Trung đội lão dân quân Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã mưu trí, dũng cảm dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực của Mỹ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Ở chiến trường miền Nam, nhiều người cao tuổi ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, đùm bọc, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị. Nhiều bà má tay không, dũng cảm đi đầu các đoàn biểu tình, hô vang khẩu hiệu đả đảo sự đàn áp của Mỹ - Ngụy, đòi chồng, đòi con bị giam cầm; kêu gọi binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào... bất chấp xe tăng, lưỡi lê, họng súng của kẻ thù.
Một phần tư thế kỉ…
Trong công cuộc xây dựng và đổi mới, hơn 30 năm qua Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, nằm trong số ít quốc gia trên thế giới có chỉ số phát triển con người cao, tuổi thọ trung bình khá cao… Từ kết quả đó và sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo người cao tuổi cả nước, ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập. Hội kế thừa Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và các Hội Bảo thọ, Hội Vui tuổi già, Quỹ thọ sau này, trở thành mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển.
Hoạt động văn hóa văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần |
Hơn một phần tư thế kỉ, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trải qua 5 kì đại hội. Hội viên người cao tuổi cả nước đoàn kết trong “ngôi nhà chung” từ cấp trung ương đến cơ sở, bám sát 3 nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình công tác lớn; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội và địa phương phát động. Dấu ấn các chương trình còn sâu sắc trong mỗi cán bộ, hội viên, nhất là hạnh phúc, niềm vui tuổi già khi được Hội chăm lo chu đáo, đặc biệt đối với người cao tuổi nghèo, người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Chế độ chính sách cho người cao tuổi từng bước được hoàn thiện, thực thi tốt hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi từng bước cải thiện. Hiệu quả các phong trào “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”, “Mắt sáng cho người cao tuổi”, “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, chung tay bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo, phòng chống tội phạm, “Xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”… Thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao “Cơ quan Thường trực Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” và “Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau”… Trong các phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, với những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, như những bông hoa đẹp ngày càng lan tỏa sâu rộng, nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội và người cao tuổi trong xã hội. Trong đó, nhiều người cao tuổi là nhà khoa học đảm nhiệm công tác quản lí, lãnh đạo, sau khi nghỉ quản lí vẫn có hàng chục năm cống hiến cho khoa học; tiêu biểu có GS, TS Phạm Tất Dong với 26 năm, TS Đặng Vũ Minh và GS Hoàng Chí Bảo cùng có 17 năm...
GS, Viện sĩ, TSKH Đặng Vũ Minh |
Những kết quả thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng" đã góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ghi nhận công lao to lớn của người cao tuổi, Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng các thế hệ người cao tuổi Việt Nam bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Huân chương Sao vàng. Hội Người cao tuổi Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và hàng nghìn tập thể, cá nhân xuất sắc được các cấp các ngành vinh danh, khen thưởng.
Đây là niềm tự hào, động lực to lớn để người cao tuổi và tổ chức Hội tiếp tục phát huy vai trò "Tuổi cao - Gương sáng", thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.