Sức sống mới nơi “Thủ đô gió ngàn”
Đời sống 24/01/2020 08:20
Phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hôm nay đang đoàn kết, nỗ lực, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương từng ngày đổi mới.
ATK - cái nôi cách mạng
Đã 75 năm trôi qua, những tên bản, tên núi, tên sông lịch sử, gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cách mạng Việt Nam còn lưu giữ nơi đây; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào của cán bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cả nước. Với mật độ dày đặc trên 400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 28 di tích cấp quốc gia, 14 di tích quốc gia đặc biệt, Thái Nguyên đã khẳng định bề dày lịch sử, văn hóa của vùng ATK xưa.
Một góc thành phố Thái Nguyên hôm nay. |
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, Người trao nhiệm vụ cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh lần lượt củng cố, chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn xây dựng ATK. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc), huyện Định Hóa. Từ ATK Trung ương Đảng đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, quyết định vận mệnh của dân tộc được ban hành như mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào hay quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đem đến thắng lợi lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến trường kì 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc...
Vậy là từ mùa Xuân năm 1947, nơi đây đã trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, Quân đội và Mặt trận Liên Việt (nay là MTTQ Việt Nam) như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng… ở và làm việc. Ngoài ra, còn là nơi ở và làm việc của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Quân đội và các tổ chức đoàn thể, văn phòng Trung ương Đảng, Cục Chính trị, Cục Quân khí, Cục Quân pháp, Cục Thông tin (Bộ Quốc phòng), Cục Điện ảnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông vận Trung ương, Ủy ban Hữu nghị hòa bình thế giới, Cục Bưu chính thông tin, nơi sản xuất vũ khí, đạn dược phục vụ kháng chiến.
Ngoài ra, nơi này còn có di tích địa điểm thành lập Hội Nhà Báo Việt Nam, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Ngày 21/4/1950, tại đây đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Các hoạt động đối ngoại với bạn bè quốc tế, như Hoàng thân Lào Xuphanuvông, Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp Leeophige; nhà đạo diễn nổi tiếng của Nga Rôman Cácmen thực hiện bộ phim nổi tiếng "Việt Nam trên đường thắng lợi" cũng diễn ra ở đây.
Sức sống mới trên quê hương “Thủ đô gió ngàn”
Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Diện tích tự nhiên 3.562,82 km²; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 180 xã, trong đó có 125 xã vùng cao và miền núi.
Ngoài sản xuất lương thực, tỉnh còn có diện tích tương đối lớn để quy hoạch các đồng cỏ, phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi bò sữa. Thái Nguyên là vùng đất thích hợp để phát triển cây chè. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là đặc sản từ lâu nổi tiếng trong và ngoài nước với 15.000ha chè, cho sản lượng khoảng trên 70.000 tấn chè búp tươi mỗi năm. Tỉnh đã có quy hoạch phát triển cây chè lên 15.000ha đến 20.000ha với sản lượng khoảng 105.000 tấn chè búp tươi/năm.
Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú về chủng loại. Là tỉnh có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước. Nhiều khoáng sản như quặng sắt, thiếc, chì, kẽm, vàng; pyrít, phốtphorít... tạo cho Thái Nguyên một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng... để trở thành một trong các trung tâm luyện kim lớn của cả nước. Ngoài ra, Thái Nguyên có nhiều dân tộc còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc như dân tộc Tày, Mông, Dao có thể khai thác phát triển du lịch.
Trong những năm qua, đặc biệt năm 2019, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mức tăng trưởng bình quân trên 11%/ năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Năm 2019, khu vực công nghiệp chiếm tỉ trọng 58%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,3%; dịch vụ 31,7%. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung cả nước với 83,5 triệu đồng/người/năm, vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp gần 744 nghìn tỉ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,5 so với cùng kì. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 13,54 nghìn tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kì. Sản lượng thủy sản tăng đạt 105,3% kế hoạch.
Với sự vào cuộc của toàn đảng, toàn dân, tỉnh huy động 2.604 tỉ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thực hiện làm mới, nâng cấp đường sá, các công trình phúc lợi, chỉnh trang đồng ruộng, bộ mặt quê hương ngày càng sạch đẹp, khang trang; đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe người dân từng bước cải thiện. Đến nay, đã có 3/9 đơn vị cấp huyện và 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo tính toán của UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lũy kế 4 năm qua đạt gần 200.000 tỉ đồng. Hiện có 6.838 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 87.237 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2019, Thái Nguyên đã thu ngân sách trên địa bàn đạt mức trên 15.000 tỉ đồng. Các chính sách người có công, an sinh xã hội, giảm nghèo triển khai đồng bộ, kịp thời, đạt hiệu quả thiết thực. Nhân dịp vui Xuân đón Tết, kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Tỉnh huy động được hàng chục tỉ đồng thăm, tặng quà người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,38%, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Rót tách trà nóng mời khách, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc phấn khởi cho biết: Năm 2020, Thái Nguyên tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020; trọng tâm là thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Gắn phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện với đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, phòng chống tham nhũng, lãng phí… Đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao.