Sở TN&MT nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh kết luận đơn tố cáo của ông Hoàng Long
Pháp luật - Bạn đọc 22/03/2022 08:42
Qua xác minh hồ sơ và hoạt động khai thác mỏ của Công ty Phú Đức Chính, được biết Công ty Phú Đức Chính thành lập từ năm 2009. Ngay sau ngày thành lập không lâu, Công ty đã trúng thầu dự án khai thác khoáng sản tại núi Thị Vải. Chính những “vội vàng” này tạo nên những mâu thuẫn trong quá trình trúng thầu và thu hồi đất tại đây.
Đầu tiên là vai trò của các nhân sự cũng như cổ đông góp vốn tại doanh nghiệp này thay đổi liên tục. Theo Giấy phép kinh doanh lần đầu, cổ đông Công ty này gồm: ông Phạm Quang Đức ở số 3227A, khu phố 4, phường Phước Trung, thị xã (nay là TP) Bà Rịa; ông Phạm Phong Phú (lái xe nhiều năm của ông Khải, ở số 1510 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phước Nguyên, thị xã Bà Rịa) và ông Phạm Văn Chính (một người thân quen của ông Khải, ở số 405 đường Cách Mạng Tháng Tám).
Cũng trong năm 2009, Công ty Phú Đức Chính làm thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ đá xây dựng lô 14A núi Thị Vải. Đến tháng 5/2011, sau thời gian dài tranh chấp, vì Công ty Nguyên Hoàng cho rằng Công ty Hoàng Nguyên xin cấp phép trước và có đất sẵn. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định cấp phép cho Công ty Phú Đức Chính khai thác mỏ đá này với trữ lượng hơn 9 triệu mét khối.
Hồ sơ cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2015, trong thời gian làm thủ tục để khai thác, Công ty Phú Đức Chính đã thay đổi Giấy phép kinh doanh (GPKD) 8 lần. Theo đó, cổ đông sáng lập của công ty có sự thay đổi. Các ông Phạm Quang Đức, Phạm Phong Phú và ông Phạm Đức Chính dần dần giảm phần trăm cổ phần nắm giữ. Trong GPKD khi thay đổi, có sự tham gia của bà Lê Thị Ngọc Oanh (ở TP Hồ Chí Minh) với 25% cổ phần.
Từ lần thứ 7 thay đổi GPKD vào tháng 9/2015 đến nay, Công ty CP Phú Đức Chính không còn thấy sự xuất hiện tên của 3 cổ đông sáng lập. Ông Phạm Đức Chính không còn làm Giám đốc. Thay vào đó, GPKD thể hiện chỉ có duy nhất một mình ông Nguyễn Tài Thiện (ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đảm nhiệm chức vụ này và là đại diện pháp luật của Công ty Phú Đức Chính.
Văn bản của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị UBND tỉnh giải quyết đơn tố cáo của ông Hoàng Long. |
Mặt khác, Biên bản đối chiếu công nợ tiền mua đất vào năm 2016, do ông Long cung cấp, có nội dung: Chuyển nhượng đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm 5,4ha của ông Long để thực hiện dự án khai thác mỏ đá lô 14A núi Thị Vải. Điều khó hiểu là, biên bản thể hiện người đứng ra chi trả tiền chuyển nhượng lại là cá nhân các ông Lê Thanh Bình, Lê Văn Chính, Trần Đức Thanh, bà Phạm Thị Phương Thi (!?).
Sự việc diễn ra tại Công ty TNHH Lê Chính (một doanh nghiệp lớn về khai thác mỏ tại địa phương) và ông Lê Văn Chính (người tham gia chuyển nhượng đất) là Giám đốc của doanh nghiệp này. Như vậy, mỏ đá của Công ty Phú Đức Chính lại do 1 doanh nghiệp (hoặc cá nhân khác) đứng ra trả tiền giải phóng mặt bằng khai thác. Hơn nữa, Công ty Phú Đức Chính lúc này cũng không thấy sự tham gia của cổ đông sáng lập.
Trong đơn tố cáo, ông Hoàng Long còn cho rằng: “Công ty Phú Đức Chính đã được bán cho Công ty Lê Chính”. Dù chưa có kết luận cụ thể liên quan tới vụ việc, nhưng từ những lời tố giác và hồ sơ đính kèm mà ông Long đưa ra, dư luận nghi ngờ về những “mập mờ” liên quan đến hoạt động của Công ty Phú Đức Chính.
Vấn đề thứ 2 cần làm rõ là vào tháng 1/2012, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép giảm 16ha rừng phòng hộ theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho Công ty Phú Đức Chính thực hiện dự án khai thác đá. Ông Hoàng Long cho rằng, phần đất mà UBND tỉnh giao cho Công ty Phú Đức Chính là rừng 327 theo đề án của Chính phủ. Nếu là rừng được xác lập theo đề án Chính phủ thì khi thay đổi mục đích, tỉnh phải thông qua HĐND và xin ý kiến Chính phủ. Nếu UBND tỉnh tự quyết định giảm đất rừng, không bồi thường cho người dân nhưng lại giảm rừng giao đất cho doanh nghiệp liệu có phù hợp quy định pháp luật?
Theo Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ: Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp quy đinh: “…4. Có phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 5. Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải bảo đảm việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác”.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, đã 3 lần kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra văn bản kết luận vụ việc đơn tố cáo của ông Hoàng Long. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà UBND tỉnh không kết luận vụ việc. Và chính điều này đã khiến đơn thư của người dân kéo dài.
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Văn bản số 6453/UBND-VP về việc thành lập Đoàn thanh tra theo đơn tố cáo của công dân. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho Giám đốc Sở TN&MT thành lập Đoàn thanh tra để thanh tra Dự án khai thác mỏ đá xây dựng lô 14A núi Thị Vải, xã Tóc Tiên huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ).
Sau khi thanh tra, Giám đốc Sở TN&MT nhiều lần kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời trả lời công dân để chấm dứt việc đơn thư kéo dài.