Sài Gòn - Ngày đầu tiên giải phóng
Xã hội 30/04/2020 08:07
Tôi làm Trợ lí Quân lực nên đến đơn vị nào cũng thấy không khí chuẩn bị khẩn trương. Cán bộ, chiến sĩ bồn chồn, xúng xính bộ quân phục mới nhất, sạch nhất, đeo mảnh vải đỏ vào cánh tay trái - quy ước nhận nhau trong nội thành. Với tinh thần quyết chiến trận cuối cùng và lực lượng hùng mạnh hơn rất nhiều so với mùa Hè 1972, nên tinh thần quyết thắng càng cao. Nhân dân quanh vùng cũng cảm nhận được không khí ấy nên hết lòng chăm lo bộ đội. Các má, các chị tíu tít chặt dừa, bổ trái cây, nấu xôi, chè, ép chúng tôi ăn như con cháu ở xa về. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức hương vị sầu riêng tại đây, nó thơm lịm đến tận bây giờ.
Một đêm không ngủ, 2 giờ sáng 30/4, mũi đột kích đầu tiên của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 cùng các đơn vị phối hợp đè bẹp các cụm đề kháng của địch trên đường hành tiến. Phía trước râm ran đủ loại hỏa lực cả hai bên làm chúng tôi rạo rực. Đơn vị tiến chậm, bước trên những giày, dép, mũ, vỏ đạn… của lính địch vương vãi trên đường, dấu tích của cuộc thua chạy tán loạn.
Đến Trường sĩ quan Thủ Đức, thấy nhiều xe tăng T54 của ta bị trúng đạn, khói vẫn còn bay khét lẹt, máu còn dính thành xe… Chúng tôi được lệnh dừng lại, cả đoàn quân im phăng phắc. Chiếc radio bỗng rột rẹt phát lời Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cả đoàn quân reo hò vang dội sung sướng tột cùng. Chúng tôi ôm lấy nhau nghẹn lời “Thắng rồi, sống rồi, giải phóng rồi…” và hàng loạt AK bắn chỉ thiên mừng chiến thắng. Thật sự lúc này không chỉ huy nào ngăn được, đến các vị ấy cũng chĩa AK lên trời làm một băng dài. Tuy biết là sẽ thắng lợi, nhưng sao vẫn thấy bất ngờ. Bất chợt chúng tôi lại rưng rưng nhớ đồng đội vừa ngã xuống tại căn cứ Nước Trong, căn cứ Hải quân Cát Lái... Họ không còn nữa để thấy niềm vui chiến thắng hôm nay lớn đến chừng nào.
Sau khi chấn chỉnh, sắp xếp đội hình, chúng tôi đi giữa hàng người hai bên đường chào đón và cờ giải phóng vừa dựng lên trên những ngôi nhà. Khuôn viên trước Dinh Độc Lập bỗng chốc thành một rừng người. Bộ đội, các lực lượng khác cùng đồng bào nườm nượp đổ về với khẩu hiệu, băng rôn giơ cao. Đội hình chúng tôi len lỏi giữa rừng người trước nhiều ánh mắt ngưỡng mộ và tiếng xuýt xoa: “Nghe nói Việt Cộng ốm và dữ lắm sao thấy khỏe và đẹp trai dễ sợ…”. Mấy nữ quân y đi qua, họ chỉ chỏ: “Trắng dễ sợ, tóc dài dễ sợ…”. Ôi hai tiếng “dễ sợ” lúc này nghe thật dễ thương.
Chúng tôi được học tập khi vào vùng mới giải phóng, nhất là nội thành phải cảnh giác ứng phó với các tình huống. Nhưng khác với cảnh nhốn nháo của tàn binh địch ở các tuyến phòng thủ, không khí ở đây nhộn nhịp và yên bình đến kì lạ. Phong thái người Sài Gòn bình thản nhưng ánh mắt lại hân hoan, trìu mến. Cách tiếp chuyện gần gũi chân thật, dễ tin tưởng. Những nụ cười rạng ngời, những câu hỏi thăm vội vàng và cả những câu trách móc của các má: “Tụi bay sao lâu về vậy…” đã đánh tan tính cảnh giác vốn có của chúng tôi. Cảnh giác chi nữa khi cảm thấy đang trong gia đình mình.
Đêm đầu tiên ở Sài Gòn, đơn vị tôi mắc võng nằm dọc Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy trên đường Bạch Đằng. Mệt, mệt lắm… nhưng sao ngủ được với bao niềm vui bộn bề trong lòng. Chúng tôi bị quây lại, đồng bào cho ăn đủ thứ và hiểu chuyện rất nhanh với khuôn mặt rạng ngời mỗi khi câu chuyện được giải đáp. Sài Gòn đấy, thành phố vừa trải qua một cuộc chiến khốc liệt, lâu dài mà vẫn còn nguyên vẹn. Từng đôi thanh niên, nam nữ áo nhiều mầu, quần ống loe, khoác vai nhau dập dìu tâm sự như chưa từng có việc gì xảy ra. Các bác xích lô, chị bán hàng vẫn tiếp tục công việc mưu sinh… Từ tờ mờ sáng hôm sau, người dân Sài Gòn tự động xuống đường dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đâu đâu cũng thấy rộn rã nói cười. Từng đoàn học sinh, sinh viên đi dọn vệ sinh đường phố nô nức như đi hội.
Chúng tôi lại lên đường nhận nhiệm vụ mới. Ở Sài Gòn chỉ một ngày đêm mà biết bao sự kiện dồn dập. Tôi miên man tự hỏi, vì sao người Sài Gòn lại bình thản đợi chờ một kết thúc đẹp cho cuộc chiến khốc liệt, lâu dài? Và rồi tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình, người Sài Gòn yêu hòa bình, có niềm tin nên dù chiến tranh có ác liệt vẫn không nản lòng mà điềm tĩnh vượt qua. Khi chiến thắng về, họ bỏ hết mặc cảm, âu lo và hồn nhiên hòa vào niềm vui lớn của dân tộc để giữ gìn, bảo vệ những gì đang có. Bằng chứng là khi chúng tôi tiến vào nội thành, phố xá vẫn nguyên vẹn, đèn điện vẫn sáng, nước máy vẫn chảy…
Trong các cuộc chiến tranh khốc liệt trên thế giới, có nơi đâu chiến thắng lại nguyên vẹn và ngọt ngào đến vậy?