Quyết định giám đốc thẩm tạo cơ hội cho Công ty VACC lấy lại công bằng!
Pháp luật - Bạn đọc 19/08/2023 10:18
Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định: Chủ đầu tư, Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn thông (EITC) ép cọc bê tông, gây sự cố lún nứt nhà các hộ dân và Hạt kiểm lâm liền kề, trước khi giao kết Hợp đồng xây lắp số 28/07/2010-HĐXL và Phụ lục số 04/HĐXL với Công ty VACC. Việc này Công ty EITC cũng thừa nhận tại các biên bản đền bù cho các hộ dân. Sau khi lập biên bản cam kết đền bù lún, nứt nhà cho các hộ dân, EITC không thực hiện, dẫn đến các hộ dân có đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương, nêu rõ nếu Công ty EITC không thực hiện cam kết đền bù, thì đề nghị chính quyền địa phương cho đóng cửa văn phòng công ty, không cho rút cọc cừ và không cho công trường tiếp tục thi công xây dựng.
Công trình hoàn thành và đi vào hoạt động từ lâu. |
Thời điểm ngày 2/6/2012, Công ty EITC mới thực hiện đền bù cho một số hộ dân, nhưng chưa thỏa đáng, nên khi Công ty Hoàng Lập tiến hành rút cọc cừ lần 2, thì các hộ dân chưa được đền bù, hoặc đền bù chưa thỏa đáng cản trở việc rút cọc cừ là có căn cứ. Tại Báo cáo số 15/CNEITC-KHĐT ngày 20/6/2014 của Công ty EITC gửi các cơ quan chức năng thể hiện: “... việc đàm phán đền bù cho 10 hộ dân liền kề bị ảnh hưởng, mới chỉ giải quyết được 2 hộ (bà Trang, bà Sen) chấp thuận; 8 hộ còn lại không đồng ý với dự toán chi phí kiểm kê, đền bù đã được xác định, không đồng ý cho rút, nhổ cọc cừ trên công trường xây dựng”. Quyết định giám đốc thẩm ghi: “Tính đến ngày 20/6/2014, việc rút 235 cọc cừ vẫn không thực hiện được, vì người dân không đồng ý cho rút cừ, do việc đền bù không thỏa đáng”. Việc Công ty EITC trình bày: Không có hành vi cản trở việc rút, nhổ cừ của nhà thầu, là không khách quan. “Do đó, Công ty EITC có lỗi trong việc không rút được 235 cọc cừ”, Quyết định giám đốc thẩm khẳng định như vậy.
Quyết định giám đốc thẩm xác định, tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa xem xét toàn diện chứng cứ để giải quyết vụ án, khi cho rằng có việc Công ty EITC ép cọc làm ảnh hưởng đến công trình của các hộ dân, nhưng không có căn cứ chứng minh mối quan hệ nhân quả, dẫn đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty VACC. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ, Công ty EITC thanh toán 7 tỉ đồng cho Công ty VACC vào thời điểm nào? Số tiền này (nếu có) được các bên thỏa thuận thanh toán cho hạng mục nào? Ngoài ra, cần phải làm rõ thời điểm Công ty EITC tiến hành xây dựng công trình Trung tâm thương mại Great Dragon Hotel, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng chưa? Việc xây dựng tầng hầm có bảo đảm đúng thiết kế được duyệt hay không?
Quyết định giám đốc thẩm cũng đề cập đến yêu cầu độc lập của Công ty Hoàng Lập, khi Công ty này đưa ra yêu cầu: “Buộc Công ty VACC và Công ty EITC liên đới bồi thường cho Công ty Hoàng Lập số tiền thuê cừ còn thiếu và số cọc cừ còn nằm tại công trình (235 cây) không thu hồi được, có giá trị là 2.927.000.000 đồng”, là có liên quan trực tiếp đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Công ty VACC): “Yêu cầu Công ty EITC bồi thường thiệt hại đối với 235 cọc cừ còn nằm tại công trình”. Quyết định giám đốc thẩm khẳng định: “Tòa án phải thụ lí giải quyết trong cùng một vụ án, để bảo đảm quyền lợi cho Công ty Hoàng Lập, theo quy định tại Khoản 4, Điều 68 và 73 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 6 của Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT giữa Công ty VACC và Công ty Hoàng Lập “... trong trường hợp nội dung tranh chấp không tự giải quyết được, thì sẽ đưa ra Tòa án kinh tế Hà Nội giải quyết theo pháp luật”, để đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của Công ty Hoàng Lập, với lí do không thuộc thẩm quyền giải quyết, là không đúng quy định của pháp luật, bởi vì số cọc cừ thuộc quyền sở hữu của Công ty Hoàng Lập nằm dưới công trình của Công ty EITC”.
Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội |
Từ những căn cứ nêu trên, Ủy ban thẩm phán thấy kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao là có cơ sở được chấp nhận, nên cần hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Từ đó tuyên: Chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, hủy Bản án phúc thẩm số 10/2018/KDTM-PT của TAND tỉnh Thanh Hóa, hủy Bản án sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST của TAND TP Sầm Sơn, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Sầm Sơn giải quyết sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Được biết, TAND TP Sầm Sơn đã phân công thẩm phán thụ lí giải quyết vụ án này, đang tiến hành theo quy trình tố tụng. Hi vọng HĐXX sơ thẩm lần này không “giẫm vào vết xe đổ” của hai bản án trước đây, giải quyết vụ án đúng thực tế, đúng pháp luật, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.