Quan hệ Anh - EU thay đổi như thế nào sau ngày “li hôn”
Quốc tế 06/01/2021 09:11
Có một thực tế là tới thời điểm này, những ngày đầu tiên sau khi chia tay, nhiều người dân Anh và EU vẫn chưa cảm nhận chính xác Brexit thật sự sẽ như thế nào. Nhiều người không thể hình dung hết kỉ nguyên quan hệ mới giữa hai đồng minh một thời này sẽ đi về đâu. Rất nhiều thay đổi bắt đầu áp dụng từ sau 23 giờ đêm 31/12/2020, khi Thỏa thuận Quan hệ Anh - EU 2020 chính thức có hiệu lực. Kể từ sau thời điểm ấy, mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Manche bắt đầu thay đổi theo hướng hạn chế hơn nhiều so với trước.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sau khi kí "Hiệp định Thương mại và Hợp tác" lịch sử hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 30/12/2020 |
Theo thỏa thuận thương mại và quan hệ hậu Brexit đạt được hôm 24/12 vừa qua, gần 1 triệu công dân Anh đang sống hợp pháp tại các nước EU sẽ được bảo toàn quyền này. Chiều ngược lại, trên 3 triệu công dân EU đang sống và làm việc ở Anh cũng được hưởng quyền lợi tương tự. Tuy nhiên, công dân Anh từ nay không có quyền đương nhiên được sống và làm việc tại EU như trước đây nữa và công dân EU cũng vậy. Dù nhập cảnh để đi nghỉ vẫn được miễn thị thực, song công dân Anh sẽ chỉ được phép lưu lại các nước EU không quá 90 ngày trong vòng 180 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trong khi đó, Anh cho phép công dân EU được lưu lại nước này tới 6 tháng liên tiếp.
Từ đầu tháng 10 tới, người dân hai bên sẽ sử dụng hộ chiếu khi nhập cảnh, thay cho thẻ căn cước công dân như trước đây. Ngoài ra, họ cũng sẽ phải xếp hàng làm thủ tục hải quan mỗi khi xuất nhập cảnh, chứ không còn được ưu tiên đi qua cửa riêng như trước. Với nhiều người Anh đã nghỉ hưu, những người thường ở hơn 3 tháng tại ngôi nhà thứ hai của họ tại vùng duyên hải ngập tràn nắng Costa del Sol của Tây Ban Nha, thì thay đổi này có thể là một cú sốc.
Thay đổi lớn sẽ nằm ở lĩnh vực việc làm. Việc chấm dứt dòng người tự do luân chuyển giữa Anh và EU sẽ gây ảnh hưởng cực lớn đối với việc thuê lao động, thậm chí là dấu chấm hết cho thị trường lao động trước đây. Ví dụ, sau khi Brexit, một người mới trở thành công dân Anh đi du lịch tới các đảo của Hy Lạp sẽ không thể tới một quán rượu ven biển và xin việc làm bán thời gian nếu không trình được thị thực cần thiết. Quy định tương tự cũng áp dụng với công dân EU khi tới Anh. Không chỉ lao động thời vụ ảnh hưởng, các doanh nghiệp lớn cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và tốn kém hơn để thuê lao động tới từ bên kia eo biển. Thỏa thuận thương mại hậu Brexit không có những điều khoản cho phép các nhà thầu hay doanh nhân thực hiện những chuyến công tác ngắn ngày được miễn thị thực nhập cảnh.
Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier, nhận định, thỏa thuận thương mại đạt được với Anh là sự cứu cánh và bảo đảm sự ổn định cho người dân và doanh nghiệp của cả hai bên. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng năm 2021 sẽ là năm đầy thử thách đối với cả Anh và EU, khi hai bên vừa phải nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, tái thiết kinh tế sau đại dịch, vừa phải lấp đầy những khoảng trống hậu li hôn.