Quân dân ta đánh thắng B.52 của đế quốc Mỹ
Sự kiện 08/12/2022 09:41
Đêm 18/12, Binh chủng Rađa cảnh giới dẫn đường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh trời Tổ quốc. Vào hồi 19 giờ 45’, Đài trưởng rađa Đại đội 45 Nghiêm Đình Tích báo cáo “B.52 đang bay vào Hà Nội”. Thực hiện lệnh của Tiểu đoàn trưởng 59, Trung đoàn 261, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận đã ấn nút phóng quả tên lửa vạch trời đêm, bắn trúng đích, hạ tại chỗ chiếc B.52, rơi xuống địa phận Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Đây là chiếc B.52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ của chiến dịch; cũng là chiến công đầu của quân dân Thủ đô anh hùng.
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch lịch sử, Binh chủng tên lửa lập chiến công cao nhất: Bắn rơi 29 máy bay B.52 trên tổng số 34 máy bay B.52 bị bắn rơi; bắt sống nhiều giặc lái. Các cán bộ, chiến sĩ tên lửa đã sáng tạo những cách đánh đầy bản lĩnh và khí phách tiến công; xử lí mọi thủ đoạn gây nhiễu, gạt tên lửa không đối đất, tách nhiều B.52 giả…
Trung đoàn tên lửa 261 và 257, có nhiều tiểu đoàn đánh giỏi, bắn rơi nhiều B.52. Đó là các gương: Liệt sĩ Nguyễn Xuân Danh, trắc thủ dũng cảm, bám trụ trên đài quan sát; sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận; tiểu đoàn trưởng thông minh, mưu trí Nguyễn Văn Phiệt; lái xe Nguyễn Văn Chuông, vượt qua mọi hiểm nguy, chuyển đạn về trận địa tên lửa…
Còn nhiều tấm gương ở đơn vị không quân, rađa, cao xạ, lực lượng dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công, góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Chiều ngày 27/12/1972, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân duyệt lại phương án đánh đêm của Trung đoàn Không quân 921 Sao Đỏ. Trong số phi công bay đêm thì Phạm Tuân được tin cậy hơn cả. Đồng chí nêu quyết tâm: “Chỉ được phép đánh thắng và trở về an toàn”; đáp ứng nguyện vọng của toàn Quân chủng vào trận đánh.
Đến 22 giờ cùng ngày, Sở chỉ huy Binh chủng Rađa thông báo: B.52 xuất hiện. Đồng chí Trần Hanh trực chỉ huy, ngồi vào ghế quy định và được trợ lí báo tốp 14 là tốp B.52. Đồng chí ra lệnh cho Phạm Tuân, từ sân bay Yên Bái cất cánh, bí mật vượt qua bọn tiêm kích, tiến vào mục tiêu B.52. Tiếng Phạm Tuân vang lên: “Xin phép được công kích!”. Sở chỉ huy cho phép công kích. Trong giây lát, tín hiệu tốp 14 đã bị xóa trên màn hiện sóng. Niềm vui lớn tràn ngập khi nghe tiếng Phạm Tuân gọi về: “Báo cáo, tôi đã diệt được mục tiêu!”.
Ngay sau đó, biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển lời khen đến bộ đội Không quân và phi công Mig-21 Phạm Tuân.
Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa tổ chức mít tinh hạ quyết tâm nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ ngay từ quả đạn đầu (1972). Ảnh: tư liệu |
Ngày 25/5/1972, phi công Mig-21 Vũ Xuân Thiều viết thư về cho bố, mẹ: “… Cuộc chiến tranh đến giai đoạn tàn khốc nhất, giặc Mỹ hủy diệt các thành phố; những chiếc máy bay B.52 của chúng sẽ bay vào ban đêm gây tội ác nhiều hơn. Và lúc đó sẽ là thời cơ chiến đấu của chúng con…”
Những ngày cuối năm 1972, do yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao, anh đã cùng đơn vị nhiều lần cơ động đến các sân bay dã chiến, chờ thời cơ đánh máy bay B.52. Vũ Xuân Thiều tích cực học hỏi Phạm Tuân và đồng đội, nghiên cứu cách đánh B.52 ban đêm. Có lần anh nói với Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị: “Khi chiến đấu với B.52 nếu bắn 2 quả đạn tên lửa (máy bay Mig-21 chỉ mang 2 quả tên lửa) mà B.52 không rơi là em đâm luôn vào nó!...”
Vũ Xuân Thiều đã hạ quyết tâm để chắc thắng. Khi cần, anh sẽ đánh theo tinh thần quyết tử. Đó là đêm 28/12/1972, Đài chỉ huy thông báo, máy bay B.52 đã bay vào bầu trời Hà Nội. Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Chiếc Mig-21 gầm lên rồi lao vun vút vào màn đêm. Đài chỉ huy đã đưa anh đến vị trí phát hiện B.52 bằng mắt thường và ra lệnh công kích. Vũ Xuân Thiều công kích hai lần nhưng B.52 chỉ bị thương. Anh xin công kích tiếp, lao thẳng Mig-21 vào B.52. Cả hai bốc cháy. Một vầng sáng rực lên. Đường chỉ đỏ của tiêu đồ dừng đột ngột. Vũ Xuân Thiều đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; như lời tâm nguyện trước đây: Lái chiếc Mig-21 đâm thẳng vào B.52, trong trận đêm 28/12/1972. Anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Chỉ trong 12 ngày đêm, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi ở miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 chiếc F111 và 42 máy bay chiến thuật, bắt sống nhiều giặc lái. Đây là thất bại lớn nhất của không quân Mỹ từ trước đến nay. Ngày 30/12/1972, Ních-xơn phải chấp nhận thua đau, đành ra lệnh cho máy bay B.52 ngừng đánh phá và chịu trở lại ngồi đàm phán tại Hội nghị Paris. Chiến dịch Linebacker II hoàn toàn bị thất bại. Sau 174 phiên họp căng thẳng, Mỹ và đồng minh của chúng phải cuốn cờ, rút khỏi Việt Nam.
Tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không |
Âm mưu của đế quốc Mỹ tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng |