Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội: Bị lừa đảo, người cao tuổi có nguy cơ mất nhà
Pháp luật - Bạn đọc 09/06/2023 14:54
Hơn một tháng sau, ngày 27/10/2007, bà Ngọc nói với bà Thanh là không cho vay được 500 triệu đồng, mà chỉ có 100 triệu đồng. Vì vậy bà Thanh và bà Ngọc thống nhất không ủy quyền nữa, mà chỉ làm giấy nhận nợ và thế chấp sổ đỏ cho khoản vay 100 triệu đồng, với cam kết sau 3 năm sẽ trả hết số tiền này. Đến hạn trả nợ, bà Thanh mang tiền đến tìm bà Ngọc nhưng không gặp, cố gắng tìm bà Ngọc cũng không thấy, mãi sau này mới biết bà Ngọc đã bỏ trốn và đang bị lệnh truy nã.
Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, hiện đang có nguy cơ bị mất, do Tòa án cho phép xử lí để ngân hàng thu hồi vốn. |
Bà Thanh cho biết: “Sau này khi Tòa triệu tập, tôi mới biết bà Ngọc đã sử dụng giấy ủy quyền để làm thủ tục chuyển nhượng nhà, đất của gia đình tôi cho ông Nguyễn Văn Thành, ông Thành mang các tài liệu này làm thủ tục vay của ngân hàng 900 triệu đồng, thế chấp bằng nhà, đất của gia đình tôi. Tôi làm đơn phản tố, yêu cầu Tòa tuyên hủy các hợp đồng để trả lại tài sản là nhà, đất cho gia đình tôi, nhưng cả hai cấp Tòa đều không nghe. Tôi đã làm thủ tục đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng chưa được giải quyết. Cũng may nhà này gia đình chúng tôi vẫn đang quản lí, sử dụng”.
Theo luật sư Đinh Thế Hùng, Văn phòng luật sư Bách Sự Thuận, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vụ án này có các hợp đồng bị vô hiệu, đó là: Hợp đồng ủy quyền kí ngày 5/9/2007, do để thực hiện Hợp đồng này, bà Ngọc đã sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Thanh là giả mạo, nên vi phạm điều cấm của pháp luật, do đó hợp đồng này vô hiệu. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Thanh (do bà Ngọc đại diện) với ông Nguyễn Văn Thành vô hiệu do giả tạo, thực chất đây là hợp đồng giả cách. Từ đó các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông Thành và ngân hàng cũng vô hiệu, do sử dụng các hợp đồng vô hiệu do vi phạm pháp luật. Đây là vụ án mà hai cấp Tòa có dấu hiệu áp dụng sai pháp luật, gây oan sai đối với gia đình ông Bình, bà Thanh.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thanh yêu cầu độc lập, đề nghị hủy Hợp đồng ủy quyền giữa bà Thanh và bà Ngọc; đề nghị hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Thanh với ông Thành. Thế nhưng Bản án sơ thẩm số: 09/2021/DS-ST của TAND TP Hà Nội lại cho rằng, do bà Ngọc là một bên tham gia kí kết hợp đồng, được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, nhưng bà Ngọc đang bị truy nã theo Quyết định số: 93/PC44-Đ3 của Công an TP Hà Nội chưa bắt được, mà không ai biết địa chỉ của bà Ngọc đâu, nên Hội đồng xét xử (HĐXX) đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của bà Thanh. Thế nhưng, HĐXX lại cho phép xử lí tài sản của ông Bình, bà Thanh, là nhà và đất để ngân hàng thu hồi nợ.
Bản án phúc thẩm số: 181/2022/DS-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội thì cho rằng, do cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của bà Thanh, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Thanh. Kết cục cấp phúc thẩm tuyên “Không chấp nhận kháng cáo của bà Đàm Huyền Thanh và ông Trần Thanh Bình, giữ nguyên bản án sơ thẩm…”.
Ông Trần Thanh Bình và bà Đàm Huyền Thanh trình bày sự việc với phóng viên |
Trong khi đó ở cả hai cấp Tòa, đại diện Viện KSND đều có ý kiến rằng, yêu cầu độc lập của bà Thanh là có căn cứ, đề nghị tuyên Hợp đồng ủy quyền giữa bà Thanh và bà Ngọc vô hiệu; tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Thanh (do bà Ngọc đại diện) với ông Thành… Riêng tại cấp phúc thẩm, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội xác định: “Hợp đồng ủy quyền giữa bà Thanh và bà Ngọc là vô hiệu. Do đó, Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, Hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu… Đề nghị hủy một phần bản án về phần tài sản thế chấp, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại phần tài sản thế chấp”. Thế nhưng, rất đáng tiếc, các ý kiến của đại diện Viện KSND đều bị hai cấp Tòa bỏ qua.
Luật sư Đinh Thế Hùng phân tích: “Có thể thấy, ở cả hai cấp Tòa, nhiều tình tiết bị các HĐXX không xem xét đến, trong khi hồ sơ vụ việc thể hiện rất rõ, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân số 22/UBND-XN, để bà Ngọc làm Hợp đồng ủy quyền ngày 5/9/2007 là giả mạo, điều này đã được UBND phường Nghĩa Đô xác nhận theo yêu cầu của Tòa án, bằng Văn bản số: 67/UBND-TP ngày 19/3/2018. Do đó, việc vô hiệu Hợp đồng ủy quyền này do vi phạm pháp luật là có căn cứ. Bà Ngọc sử dụng Hợp đồng ủy quyền này để đơn phương kí kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với ông Thành, nên Hợp đồng chuyển nhượng cũng phải coi là bất hợp pháp và vô hiệu. Ông Thành sử dụng Hợp đồng chuyển nhượng để thế chấp vay tiền ngân hàng cũng là bất hợp pháp, nên Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp giữa ông Thành và ngân hàng cũng theo đó mà vô hiệu. Đúng ra, các cấp Tòa phải tách phần tài sản này ra để giải quyết, tránh gây mất quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Bình, bà Thanh. Thế nhưng, cả hai cấp Tòa đều né tránh giải quyết phần này, là thiếu khách quan, không thỏa đáng với gia đình ông Bình, bà Thanh”.
Được biết, bà Đàm Huyền Thanh đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao. Hi vọng rằng, đơn của bà Thanh sẽ được xem xét khách quan, đúng pháp luật, tránh bị mất tài sản là nhà, đất do bị bà Trần Thị Thúy Ngọc lừa đảo.