Phong trào NCT làm kinh tế giỏi đem lại thu nhập cao
Tuổi cao gương sáng 02/03/2024 16:09
Theo thống kê, huyện Thiệu Hóa hiện có trên 11.000 NCT trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh. Trong đó có 1.247 NCT là chủ trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Thông qua phong trào NCT làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều NCT dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi và ứng dụng những thành tựu khoa học, kĩ thuật mới. Đặc biệt, NCT đã đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành, nghề và dịch vụ mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình như ông Nguyễn Bá Châu, Giám đốc Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông, ở thôn 5, xã Thiệu Trung; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, doanh thu đạt trên 9 tỉ đồng/năm.
Mô hình kinh tế của gia đình ông Lê Văn Quang ở tiểu khu 3, thị trấn Thiệu Hóa. |
Ngoài ra, địa phương còn nhiều tấm gương điển hình về NCT làm kinh tế giỏi, như: Bà Phùng Thị Ngọ, ở tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa với mô hình chăn nuôi đà điểu, dê, bò; tạo việc làm cho gần 20 lao động, lợi nhuận hằng năm đạt hơn 1 tỉ đồng; ông Phạm Đình Nam, ở thôn 5, xã Thiệu Viên trồng hoa, cây cảnh, lợi nhuận 100 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Nghi, ở thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp mở xưởng chế biến giấy vệ sinh, lợi nhuận đạt 450 - 500 triệu đồng/năm; ông Lê Văn Quang, ở tiểu khu 3, thị trấn Thiệu Hóa trồng dưa Kim Hoàng Hậu, rau trong nhà màng, tạo việc làm cho 5 - 7 lao động địa phương,...
Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội NCT huyện Thiệu Hóa cho biết: “Những năm qua, Hội NCT huyện đã chủ động triển khai và phát động sâu, rộng trong toàn thể hội viên về phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, đặc biệt là phong trào NCT làm kinh tế giỏi trong tổ chức Hội và hội viên.
Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kĩ thuật, khai thác và phát huy thế mạnh của từng vùng sản xuất, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó giúp NCT thay đổi nhận thức, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng để đưa vào sản xuất”.
Theo ông Ngọc, điểm nổi bật của Hội NCT huyện Thiệu Hóa là việc xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Đến nay, toàn huyện có 73 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, với trên 4.000 thành viên tham gia, với tổng số vốn là 6.391 triệu đồng, giúp cho 518 thành viên vay phát triển sản xuất. Qua đó giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện toàn huyện có 7 chi hội NCT hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe cho NCT.
Để tiếp tục phát huy phong trào, các cấp Hội NCT trong huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những điển hình tiên tiến. Qua đó nhân rộng các mô hình, điển hình NCT làm kinh tế giỏi; gắn phong trào NCT làm kinh tế giỏi với việc xây dựng củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, thể hiện rõ vai trò nòng cốt của tổ chức Hội các cấp trong chỉ đạo phong trào.