Phép thử mới cho mối quan hệ Ukraine - Ba Lan
Quốc tế 15/09/2023 11:02
Nhưng điều gì thực sự đang xảy ra giữa Ukraine và Ba Lan? Những vấn đề hiện tại có xuất phát từ cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Ba Lan hay không? Mối quan hệ này có thể cải thiện nhanh chóng hay mang tính hệ thống và trở nên tồi tệ hơn trong tương lai?
Đó là một số nghi vấn mà Pravda tìm kiếm câu trả lời tại Diễn đàn Kinh tế ở TP Karpacz của Ba Lan. Những phản ánh dưới đây đến từ các cuộc phỏng vấn với nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và chính trị gia Ba Lan.
Trước hết, những người được phỏng vấn đều cho rằng, Ba Lan sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Warsaw có truyền thống tách vấn đề an ninh khỏi các vấn đề khác mà có thể gây ra hiểu lầm và tranh chấp với Kiev.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 23-8-2022 |
Trong số những vấn đề đáng nói đến, quan trọng hơn cả là tranh chấp hiện nay do lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine vào Ba Lan (cũng như Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria). Lệnh cấm do Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt nhưng chỉ có hiệu lực đến ngày 15/9. Hiện tại, khó có khả năng lệnh cấm sẽ được EC gia hạn, bất chấp đề xuất từ các quốc gia bị ảnh hưởng. Thay vào đó, Ba Lan và Hungary cảnh báo duy trì lệnh cấm ở cấp quốc gia, đây rõ ràng là vi phạm nguyên tắc của thị trường chung EU.
Lập trường của Ba Lan chắc chắn được thúc đẩy bởi yếu tố chính trị - cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ravào ngày 15/10 và chiến thắng dường như không chắc chắn đối với chính phủ đương nhiệm.
Trong tình hình này, Chính phủ Ba Lan hiện tại không sẵn sàng mạo hiểm đánh mất phiếu bầu của nông dân Ba Lan nên họ không thể đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm. Điều trớ trêu ở đây là lệnh cấm đã tác động đến các doanh nghiệp Ba Lan có quy mô lớn quan tâm đến nguyên liệu thô giá rẻ từ Ukraine. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử đến gần, quan điểm của họ không còn được tính đến nữa…
Chính phủ Ukraine mới đây đã công bố kế hoạch kiện Ba Lan trong trường hợp bị đơn phương áp lệnh cấm. Thái độ của người dân Ba Lan đối với động thái trên của Kiev khá rõ ràng. Hầu hết những người mà Pravda phỏng vấn đều cho rằng Warsaw không sợ mối đe dọa này, Ba Lan vốn đã có nhiều tranh chấp pháp lí với các nước láng giềng (ví dụ với CH Séc), nhưng đây là hành động đúng đắn để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Có vẻ như Chính phủ Ba Lan thực sự lo ngại về khả năng gây tổn hại cho hình ảnh của mình, đặc biệt nếu Kiev tích cực tham gia vào vụ kiện.
Chính phủ Ukraine dường như cũng hiểu điểm yếu này trong lập trường của Warsaw. Trong một động thái rất đáng chú ý, Chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ kiện lệnh cấm của Ba Lan lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thoạt nhìn, quyết định này có vẻ kì lạ vì Kiev có sẵn một công cụ thay thế - trọng tài theo Thỏa thuận liên kết với EU có trọng lượng hơn trọng tài WTO. Hơn nữa, cơ chế phúc thẩm của WTO hiện đang bị phong tỏa nên mọi phán quyết của trọng tài đều không thể có tính ràng buộc. Tuy vậy, Kiev đã chọn công cụ WTO chủ yếu để tạo áp lực quốc tế lên Ba Lan.
Trong cơ chế trọng tài WTO, bất kì quốc gia nào quan tâm đến tranh cãi này đều có thể tham gia với tư cách là bên thứ ba. Việc này sẽ thu hút sự quan tâm của các nước Global South (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây), đặc biệt là các nước châu Phi, những quốc gia sẽ tham gia tranh cãi để ủng hộ lập trường của Ukraine. Và trong đó có việc Warsaw lo ngại rằng, họ sẽ bị cáo buộc gây ra "nạn đói ở châu Phi".
Kết quả là, trong những tuần tới, Kiev sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc từ bỏ cơ chế phân xử như vậy và hậu quả của cuộc tranh cãi có thể còn tiếp tục ảnh hưởng đến quan hệ Ukraine - Ba Lan trong nhiều năm tới…