Nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, vì sao?
Kinh tế 29/10/2019 16:11
Câu ca dao có từ bao đời nay đã khẳng định ruộng đất không chỉ là một tư liệu quý trong sản xuất nông nghiệp mà còn khuyên răn người nông dân phải coi tấc đất là tấc vàng để duy trì cuộc sống, giống nòi. Bởi vậy, người nông dân Việt Nam luôn gắn bó với từng tấc đất, thửa ruộng. Thế mà những năm gần đây tình trạng người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng lại diễn ra ngày càng nhiều ở khắp các tỉnh các vùng miền trong cả nước đến mức độ báo động mà tại Đại hội lần thứ VII của Hội Nông dân Việt Nam diễn ra cuối năm 2018, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói trong bài phát biểu về “hiện nay tình trạng nông dân bỏ ruộng, không muốn làm nông nghiệp, rời bỏ nông thôn là rất đáng quan ngại…” Một câu hỏi lớn đặt ra vì sao lại xảy ra tình trạng trên? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để hạn chế, tiến tới chấm dứt hiện trạng người nông dân bỏ ruộng?
Một dây chuyền sản xuất phân NPK củaCông ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao |
Thực trạng người nông dân bỏ ruộng? Đến nay chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào thống kê hay tính diện tích ruộng mà người nông dân không gieo trồng trên phạm vi toàn quốc. Nhưng từng tỉnh các Sở Nông nghiệp và PTNT đều có thống kê riêng, xin đơn cử một vài tỉnh như: Hà Nam, năm 2017 cả tỉnh mới chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1000 ha ruộng bỏ hoang, vụ Đông này cũng tính gieo trồng giảm tới 6000 ha. Tại tỉnh Thanh Hóa có hơn 110 ha ruộng bị bỏ hoang và trả ruộng trong đó có nhiều diện tích là “bờ xôi ruông mật” mà người nông dân vẫn bỏ hoang…Năm 2019, tỉnh Thái Bình - vựa lúa của miền Bắc được mệnh danh là quê lúa mà có tới trên 1200 ha ruộng bị bỏ hoang. Có thể nói ở tỉnh nào cũng xuất hiện tình trạng người nông dân bỏ ruộng không sản xuất và số diện tích đất không canh tác ngày càng gia tăng.
Vì sao người nông dân bỏ ruộng. Đâu là nguyên nhân.? Chuyện người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng đang ở tình trạng báo động. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân đầu tiên là thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quá thấp thậm chí mất trắng khi gặp thiên tai sâu bệnh, chuột bọ..,việc đầu tư cho sản xuất, người nông dân phải bỏ quá nhiều công sức từ làm đất gieo cấy, trừ sâu, bón phân, làm cỏ, thu hoạch. Xin đơn cử ở quê tôi Gia Viễn - Ninh Bình, một vụ lúa với thời gian khoảng 100 ngày, một sào lúa 360 m2 được mùa thì thu được 2,5 - 3 tạ, với giá ổn định thì 1 vụ thu được 1,5 - 1,8 triệu đồng. Trừ mọi chi phí từ khâu làm đất, giống, công cấy, thu hoạch thì thu 350.000 - 450.000 đồng/sào. Nếu chia ra 6 tháng thì mỗi tháng chỉ thu được từ 60.000 đến gần 80.000 đồng/sào. Trong khi đó ở quê tôi đi làm phụ hồ thì mỗi ngày cũng kiếm được 250.000 đồng. Nếu một tháng làm 20 công thì thu nhập được 5.000.000 đồng hơn đứt làm ruộng rồi. Đây là được mùa được giá, chứ như các loại cây trồng khác mà tôi được biết như: tiêu, điều, cà phê, cao su mấy năm nay giá xuống thảm hại, các loại ăn quả như dưa hấu, thanh long, vải, nhãn,mía,…luôn phải chịu cảnh “được mùa, mất giá” và ngược lại.
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao |
Thiếu lao động sản xuất nông nghiệp: Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các khu công nghiệp mọc lên như nấm khắp trong Nam ngoài Bắc, tỉnh nào ở đâu cũng có khu công nghiệp. Một khu công nghiệp Sam Sung ở Bắc Ninh đã thu hút gần 80.000 lao động, hay ở tỉnh Hà Nam theo anh Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp trong đó có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động,… Bên cạnh đó, mỗi khu công nghiệp mọc lên thì diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm và giải quyết việc làm gián tiếp cho hàng chục ngàn lao động làm dịch vụ như ăn uống, tạp hóa,… phục vụ cho công nhân làm việc ở các khu công nghiệp. Như vậy, việc hình thành các khu công nghiệp không chỉ làm giảm diện tích đất nông nghiệp mà là nơi thu hút lao động nông nghiệp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu lao động làm nông nghiệp. Đó là chưa kể mỗi năm cả nước có hàng trăm ngàn thanh niên là con em nông dân đi xuất khẩu lao động.
Một nguyên nhân khác là thời tiết thay đổi, do biến đổi khí hậu toàn cầu, bão lụt xảy ra triền miên, không theo quy luật nào, bệnh dịch xảy ra đàn gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra ở cả 63/63 tỉnh thành ở nước ta phải tiêu hủy hàng triệu con lợn,…tác động không nhỏ đến canh tác hoa màu, cây lương thực phục vụ cho chăn nuôi. Đó là chưa kể hàng năm toàn quốc có cả trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở xuống sông, xuống biển. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, bảo hiểm, tạm mua, tạm trữ sản phẩm nông nghiệp của nhà nước chưa được quan tâm. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu vào quảng bá sản phẩm nông nghiệp ra các thị trường thế giới vẫn còn hạn chế. Đó còn là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, không tạo ra hàng hóa lớn, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các nước trên thế giới mà nhất là các nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn như Thái Lan, Ấn Độ,..
Tổng giám đốc Phạm Quang Tuyến (người đứng thứ 2 từ trái qua) kiểm tra tiến độ thi công dây chuyền sản xuất NPK-S chất lượng cao |
Như trên đã trình bày, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng. Vậy làm thế nào để hạn chế tiến tới không còn người nông dân bỏ ruộng mà họ thực sự coi tấc đất là tấc vàng. Giải pháp mà theo chúng tôi có vai trò then chốt đó là: Chính sách của Nhà nước phải thực sự đi vào cuộc sống. Phải có chính sách tích tụ ruộng đất thông qua hình thức dồn điền, đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn, đại điền để trồng cây chuyên canh nông nghiệp, tạo ra lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh. Khi có cánh đồng đại điền thì việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi từ đó giảm sức lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra nền sản xuất lớn. Để giải quyết tình trạng người nông dân không bỏ ruộng một cách triệt để, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, phân bón, thuốc trừ sâu,… vật tư hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có giá hợp lý, thấp để góp phần làm giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp tạo sức cạnh tranh cao. Vấn đề trên và chính sách hỗ trợ vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những không có chính sách hỗ trợ giá mà còn tăng, đánh vào mặt hàng vật tư chính yếu như phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Câu thành ngữ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, cho ta thấy rõ vai trò của phân bón trong phát triển nông nghiệp là rất quan trọng. Đó là chưa kể Nghị định về quản lý phân bón còn nhiều điều bất cập. Viết đến đây tôi nhớ bên hành lang của một Hội nghị phân bón phạm vi toàn quốc, tôi gặp anh Phạm Quang Tuyến - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - một doanh nghiệp đứng đầu về sản xuất phân bón, có bề dày lịch sử gần 60 năm và là đơn vị có truyền thống 3 lần được Đảng, Nhà nước ta trao tặng danh hiệu Anh hùng đã bộc bạch khi tôi hỏi về giải pháp nào để nông dân không bỏ ruộng, Tổng Giám đốc Phạm Quang Tuyến cho biết: Trước hết, phải tính đến phương án dồn điền đổi thửa tạo ra cánh đồng đại điền, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ đối với người nông dân, thu mua nông sản ngay từ đầu vụ và có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Sự ảnh hưởng trực tiếp của Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực ngày 1/1/2015 ảnh hưởng lớn tới giá thành sản phẩm của Công ty. Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của các nguyên, nhiên liệu, vật tư cho sản xuất và cho đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón, bất lợi trong cạnh tranh sản xuất phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu. Tổng chi phí tính thuế giá trị gia tăng từ năm 2015 đến năm 2019 Công ty không được khấu trừ phải tính vào chi phí sản xuất ước tính là trên 800 tỷ đồng, bình quân mỗi năm gần 160 tỷ đồng. Bên cạnh sự biến động giá mua nguyên vật liệu đầu vào, cùng lúc, giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019; giá xăng, dầu biến động bất thường từ đầu năm đến nay... Để thấy rằng, nếu đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT là 0%, nghĩa là được khấu trừ thuế đầu vào, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất phân bón thì Công ty chúng tôi sẽ giảm giá thành phân bón, làm lợi rất nhiều cho bà con nông dân.Ý kiến của người đứng đầu doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất phân bón phục vụ cho nông nghiệp còn điều bất cập mà lẽ ra phải được ưu tiên. Đó là chưa kể còn nhiều điều bất hợp lý trong quản lý phân bón như hiện nay mà tôi biết được nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín, chất lượng lại phải đương đầu với doanh nghiệp nhỏ loại “cuốc xẻng” trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, sản xuất phân bón cũng không có quy hoạch, kế hoạch nên dẫn đến dư thừa như hiện nay. Phân bón nhái, phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Quản lý thị trường có phát hiện ra phân bón kém chất lượng cũng chỉ bị “phạt” cho tồn tại…Sản xuất phân bón, đúng ở vị trí thứ nhì trong sản xuất nông nghiệp mà đã có bao nhiêu vấn đề đặt ra cần phải được cởi trói tháo gỡ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần giảm giá thành sản phẩm tăng tính cạnh tranh.
Để người nông dân chấm dứt tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng, thì Nhà nước cần có chính sách, giải pháp đồng bộ, từ việc quy hoạch, dồn điền đổi thửa, tạo cánh đồng mẫu lớn, liên kết ba nhà… đến chính sách hỗ trợ, giảm giá thành vật tư phân bón, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu, chuyên canh tạo hàng hóa lớn, chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân,… Thực hiện được những vấn đề nêu trên, chúng tôi tin người nông dân sẽ quay trở về yêu quý thửa ruộng như vốn có của họ.