Nỗi đau của môi trường giáo dục
Giáo dục 30/03/2021 08:28
Đến sáng 29/3, cô giáo Nguyễn Thị Tuất cùng Ban Giám hiệu trường Tiểu học Sài Sơn B đã được UBND huyện Quốc Oai mời đến để công bố quyết định thanh tra một số nội dung liên quan đến đơn thư và phản ánh của dư luận, thông tin báo chí tại trường Tiểu học Sài Sơn B… Rồi đây, sự thật chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Ai sai người đó sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ xử phạt nghiêm minh, đặc biệt nếu có bàn tay dung túng, xúi bẩy, dàn dựng để biến những đứa trẻ ngây thơ, trong trắng trở thành những học sinh hư cá biệt. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, không đi sâu phân tích để kết luận có hay không việc trù dập giáo viên tố cáo sai phạm mà chỉ muốn đề cập đến nỗi đau buồn của những ai đã từng làm phụ huynh và sự thất bại của một môi trường giáo dục thiếu lành mạnh. Điều đó quan trọng gấp nhiều lần việc cô giáo có bị hiệu trưởng trù dập hay không, bởi việc giáo viên bị trù dập từng xảy ra ở khá nhiều trường học trên cả nước. Theo cô giáo Tuất, cứ đến tiết dạy của cô là học sinh đồng loạt không học mà làm việc riêng gây mất trật tự. Có nhóm mang bài chơi công khai trên bàn học, có em lại trùm chăn ngồi trong lớp, em bịt mặt chạy lên bàn cầm thước đánh cô, em lao vào cướp cặp của cô để lấy điện thoại…giờ học trở nên hỗn loạn khác thường. Cô giáo hoàn toàn bất lực trước học sinh Cô Tuất kể: “Học sinh lớp 5 quậy phá trong giờ học, lấy thước, lấy dép dứ vào mặt tôi nhưng tôi cũng không mắng mà chỉ nói các con không được làm thế Có em trùm chăn, trùm áo đồng phục lên cướp đồ ngang nhiên, lấy thước đánh tôi, tôi phải lùi tận trong xó bàn giáo viên. Có em lấy vòng thun bắn đạn giấy vào mắt tôi sau đó tôi phải đi bệnh viện Quốc Oai điều trị không khỏi nên phải đi bệnh viện trung ương điều trị”. Việc học trò vô hỗn như thế này là quá sức tưởng tượng của bất kì giáo viên nào, bất cứ phụ huynh nào, bất cứ ai đã ngồi trên ghế nhà trường. Nó khiến ai cũng cảm thấy đau lòng khi những học sinh tuổi còn non nớt, ngây thơ ngang nhiên chống đối và hành hung cô giáo, ngang nhiên phá nát giờ học, ngang nhiên hỗn xược. Ai đã dung túng, xúi bẩy để các em hành động như vậy?. Ai đứng đằng sau tất cả những hành động để các em hành xử vô lễ với cô giáo của mình? Dư luận càng nghi ngờ hơn khi một phóng viên của truyền hình Quân đội làm phóng sự đã phỏng vấn một học sinh, em này nói cô giáo Tuất đã không làm tốt nhiệm vụ, không quản lý lớp để các bạn quậy phá. Em đó còn nói rằng đã gửi đơn lên nhà trường và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều người khi xem clip, đã khâm phục sự chịu đựng của cô giáo Tuất, cô giáo không phản ứng theo thói thường như nổi nóng, đánh đập, trừng phạt, bạo hành học trò để thỏa mãn nỗi tức bực vậy mà cô giáo vẫn nín nhịn, làm chủ được cảm xúc của mình. Thực tế hiện nay, không nghe, không thấy, không biết, không quan tâm vẫn tồn tại trong nhà trường. Một giáo viên nào đó không được lòng lãnh đạo, những giáo viên khác không dám thân thiết, nói chuyện là có thật. Đặc biệt, những giáo viên dám tố cáo tiêu cực của lãnh đạo nhà trường nhiều khi trở nên cô đơn, bị cô lập ngay trong tập thể. Việc học sinh hỗn láo tập thể với cô giáo Tuất ở Trường Tiểu học Sài Sơn B, TP Hà Nội là cả một quá trình, không thể giáo viên trong trường không biết, không thể các tổ chức đoàn thể không biết? Trên danh nghĩa thì nhà trường có đầy đủ các ban bệ, từ tổ chức công đoàn đến trưởng bộ môn, rồi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng… Nhưng cô giáo Tuất đang giẫm đúng bước chân của những giáo viên dám dũng cảm tố cáo tiêu cực nên phải chịu “hậu quả”. Một mình cô đang phải đương đầu với cái xấu, cái ác mà chẳng có đoàn thể, đồng nghiệp nào bảo vệ, giúp đỡ. Học trò hỗn láo với thầy cô giáo, thầy cô là người chịu thiệt thòi đầu tiên, nhưng người chịu thiệt nhiều nhất, lâu dài nhất chính là gia đình các em và chính bản thân các em. Sự im lặng của các tổ chức đoàn thể, giáo viên trong trường trước hành vi xấu của học sinh chính là động lực để cho cái xấu cái ác tiếp tục phát triển mạnh hơn và còn ở cấp độ cao hơn. Như vậy thì việc xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc chỉ là những điều giáo điều xáo rỗng Nhiều người đặt câu hỏi: Điều cô ấy tố cáo sai phạm đúng hay sai? Tại sao lãnh đạo không giải quyết dứt điểm trong bao năm qua? Việc để học sinh hỗn láo tập thể với cô giáo như vậy thì trách nhiện đầu tiên thuộc về nhà trường, về hiệu trưởng. Môi trường giáo dục như vậy làm sao mong giáo dục được các em trở thành những con ngoan, trò giỏi. Tội ác ở đây là đã làm hỏng mấy chục con người (trong hiện tại). Muốn sự thật được sáng tỏ, muốn triệt tận gốc cái xấu xa, tồi tệ ở trường… thì có lẽ cần để công an vào cuộc và các phụ huynh, học sinh phải dũng cảm nói ra hết sự thật mới mong trả lại sự công bằng cho môi trường giáo dục và cứu vãn lấy những đứa trẻ. Còn muốn lấy lại kỉ cương để xây dựng nhân cách đạo đức cho các em thì cần cả một quá trình giáo dục lại khi các em bước lên học Trung học cơ sở. |