Nối dài thêm sợi dây… Chèo!
Trong mắt người già 09/11/2022 10:32
Vừa ra khỏi đại dịch Covid-19 nhưng các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên đã khắc phục mọi khó khăn, đem đến liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao là điều rất đáng mừng. Với 1 giải xuất sắc, 6 Huy chương vàng, 6 HHuy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các vở diễn chất lượng tốt, như lời PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan thì các tác phẩm dự thi “là những công trình mĩ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Chèo truyền thống”.
Tuy nhiên, liên hoan vẫn còn hạn chế như đội ngũ biên kịch Chèo chưa đông (chỉ có 7 tác giả), chưa mạnh và vẫn chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”. Bên cạnh những nghệ sĩ giỏi nghề, Liên hoan còn chứng kiến không ít diễn viên chưa “chuyên nghiệp” như hát phô, chênh, hát sến, quên lời, nói ngọng…
Đề tài cũng là điều trăn trở vì 26/27 vở dự thi đều là chuyện cũ (lịch sử, các cuộc kháng chiến của dân tộc), chỉ duy nhất một tác phẩm về đề tài đương đại (Đất liền và biển cả - Thanh Hoá). Dường như nhịp sống sôi động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa “chạm” được trái tim các tác giả? Điều mà người yêu sân khấu nói riêng, yêu Chèo nói chung mong mỏi chính là các nhà viết kịch bản nắm bắt được sự chuyển dịch giá trị mới, không đứng ngoài cuộc, không thờ ơ với nhũng sự kiện đang diễn ra.
Mặc dù sân khấu nói chung và sân khấu kịch hát nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, song bộ môn nghệ thuật Chèo vẫn có một số lượng người xem yêu thích, trung thành, bền bỉ. Có mặt tại Nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam, tôi thấy ấm lòng khi các trường THCS trên địa bàn TP Phủ Lý đều tổ chức cho các cháu đến xem Chèo. Cũng là một thứ di sản quý, việc người xem đến rất đông để cổ vũ các vở diễn, trong đó có tới gần một nửa là thanh, thiếu niên cho thấy, Chèo đang được “giữ ấm”. Sợi dây bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy Chèo tới thế hệ kế cận đang được nối dài thêm.