Ninh Thuận: Chú trọng phát triển kinh tế biển, hậu cần nghề cá
Tin tức 20/02/2024 07:42
Tàu cá neo đậu tại biển Cà Ná, Ninh Thuận |
Thủ phủ tôm giống
Kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận được cơ cấu bởi các ngành công nghiệp, dịch vụ trên biển, ven biển. Trong thời gian qua Ninh Thuận tập trung phát triển đồng bộ nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước; có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao (2 doanh nghiệp sản xuất tôm giống bố mẹ có năng lực sản xuất hơn 20.000 cặp/năm; 25 doanh nghiệp thuộc nhóm có "năng lực sản xuất tối thiểu 0,5 tỉ con post/doanh nghiệp/năm”, nhóm này có năng lực sản xuất hơn 21 tỉ con/năm).
Và 100% cơ sở sản xuất tôm giống có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, trong đó có 12 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, được miễn giảm sát, chi hậu kiểm 1 lần/năm. Hầu hết các thành viên của Hiệp hội giống thủy sản Ninh Thuận đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường.
Ước sản lượng tôm giống năm 2023 được 40,838 tỉ con post, chủ động một phần nguồn tôm bố mẹ (5.500 cặp tôm thẻ ứng với 15% và 4.000 cặp tôm sú úng với 20%) trong sản xuất giống theo yêu cầu của thị trường.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất nghề khai thác hải sản: giai đoạn 2021-2023, địa phương tập trung điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản vùng khơi phù hợp với hạn ngạch; áp dụng các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp; triển khai "Quy chế Tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ; kết hợp kinh tế và hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo"
Song song với đầu tư chiều sâu về trang thiết bị hiện đại khai thác bền vững; ứng dụng đèn LED trong khai thác, máy thu lưới, máy dò tầm cao cự li hoạt động 800-1000m, thiết bị xua đuổi cá heo, máy đo dòng chảy; các thiết bị an toàn hàng hải như: Ra đa, định vị, liên lạc tầm xa, nhận dạng, giám sát tàu cá, v.v.
Quan tâm hậu cần nghề cá
Ninh Thuận còn tổ chức cho ngư dân hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa theo mô hình tổ đoàn kết trên biển: 170 tổ/810 tàu để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; hạn chế rủi ro khi hoạt động trên các vùng biển xa; kết nối bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản đến các Tổ đoàn kết trong quá trình khai thác.
Ngoài ra, tích hợp vào Quy hoạch (đang chờ phê duyệt) theo hướng giảm diện tích nuôi trên đất liền (chỉ giữ lại 500 ha nuôi sinh thái kết hợp du lịch Đầm Nại) và phát triển nuôi biển vùng nước sâu ứng dụng công nghệ cao (khu C1 mới nuôi chuyên canh 957 ha; khu C2 mới nuôi trồng thủy sản kết hợp điện gió 1.295 ha); tiếp tục xây dựng đề án chi tiết làm cơ sở kêu gọi, đấu thầu dự án đầu tư nuôi hải sản biển công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; xây dựng địa phương mạnh về biển. Phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hiện Ninh Thuận quy hoạch 1 cảng cá loại 1 kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại cảng Cà Ná; 1 cảng cá loại 2 kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng ở Ninh Chữ; 2 cảng cá loại 2 thuộc Đông Hải và Mỹ Tân. Và 2 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tại cửa sông cái Phan Rang và Vịnh Vĩnh Hy.
Tuy nhiên, đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên một số cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão chưa được đầu tư theo quy hoạch (khu neo đậu tránh trú bão Vĩnh Hy chưa được đầu tư; cảng cá Mỹ Tân và Đông Hải là cảng cá loại 3 chưa đủ điều kiện công bố theo quy hoạch)
Nhiều hạng mục công trình tại các cảng cá đầu tư hơn 20 năm qua thiếu vốn duy tu bảo dưỡng, xuống cấp nghiêm trọng (cầu tàu cảng Cà Ná cũ và cầu tàu cảng Đông Hải bị sụp lún, bong tróc không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên cầu tàu); luồng chạy tàu cảng Đông Hải và Ninh Chữ bị bồi lắng.
Mặc dù địa phương chú trọng phát triển kinh tế biển, dịch vụ hậu cần nghề cá đạt được nhiều thành quả đáng nghi nhận; nhưng Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Do đó, rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các nhà đầu tư để Ninh Thuận có điều kiện bảo dưỡng các công trình hạ tầng hậu cần nghề cá, đảm bảo phát triển kinh tế biển vững mạnh hơn.