Công an TP Hồ Chí Minh truy nã cựu Trưởng Phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam Đỗ Trung Học
Tin tức 07/05/2024 18:29
Theo đó, trong số 254 bị can bị truy tố, bị can Đỗ Trung Học (SN 1961, cựu Trưởng Phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 2.8 tỉ đồng để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An hoạt động trái luật. Trong vụ án này, Đỗ Trung Học bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Tuy nhiên, bị can Đỗ Trung Học đã xuất cảnh trước khi khởi tố bị can. Hiện không xác định được đang ở đâu nên cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy nã đối với Học. Quyết định truy nã này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi bị can đăng ký thường trú (quận Ba Đình, TP. Hà Nội).
Cơ quan điều tra cũng đã phát thư kêu gọi Đỗ Trung Học ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư và thân nhân của Học để thông báo cho bị can.
Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã tổ chức nhận dạng, trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của Đỗ Trung Học trên các hồ sơ thẩm định.
Do đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm nên đối với trường hợp của bị can Học, cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Trường hợp Đỗ Trung Học không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Hồ sơ vụ án với 254 bị can bị truy tố về 11 tội danh. Ảnh: VGP |
Quá trình điều tra xác định đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa xảy ra trong thời gian dài mang tính hệ thống.
Hành vi sai phạm diễn ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, phòng kiểm định xe cơ giới, phòng tàu sông tại một số địa phương.
Các bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm, các phòng, trung tâm, chi cục đăng kiểm tại một số địa phương đã đưa ra chủ trương, thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới, các nhân viên làm việc ở các trung tâm, chi cục nhận tiền từ các chủ phương tiện phải đăng kiểm, thẩm định hồ sơ thiết kế, cần được cấp thông báo năng lực xưởng... để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường...
Hành vi đưa hối lộ đấu thầu khi cung cấp các dây chuyền kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm, bỏ qua những thủ tục, yêu cầu khi thực hiện đấu thầu, nhằm được thắng thầu trái quy định pháp luật do Công ty TNHH Việt Nét thực hiện, liên quan đến một trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và 2 trung tâm đăng kiểm tại tỉnh Yên Bái và Quảng Bình, các trung tâm tại tỉnh thành khác, được tách ra giải quyết xử lý theo thẩm quyền.
Trong số 254 bị can bị Viện KSND TP. Hồ Chí Minh truy tố, có nhiều đối tượng là lãnh đạo chủ chốt đầu ngành như Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, nguyên là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; nhiều bị can là trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm; nhiều bị can có trình độ nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.
Các bị can được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện cơ giới và phương tiện thủy nội địa nhưng vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Với vai trò chỉ đạo của Đặng Việt Hà, các bị can là lãnh đạo các phòng, giám đốc các trung tâm, cùng hàng loạt hành vi sai phạm của các bị can khác trong vụ án, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến trật tự quản lý xã hội.
Trong số đó, Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (giai đoạn trước tháng 8/2021) phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ hơn 7.1 tỷ đồng; Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ hơn 40.2 tỷ đồng.
Đến nay, các bị can trong vụ án đã tự nguyện giao nộp lại 46 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (trong đó giao nộp trong giai đoạn truy tố hơn 7.8 tỷ đồng) và 113.000 USD.
Vụ án có số lượng hồ sơ lên tới hơn 286.000 bút lục và sự tham gia bào chữa của hơn 200 luật sư.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải về việc rà soát, kiểm ... |
Bà Lê Thị Thu Hồng tạm thời điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang Tại kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội đã xem xét, bỏ phiếu thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội ... |
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An: Bộ Công an kêu gọi những người mắc sai phạm tự thú Chiều 4/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an ... |