Những việc nghĩa tình, nhân văn
Đời sống 07/08/2021 08:14
Tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố đều có xe chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, nhiều xã có từ 2-3 chiếc xe chuyển bệnh, góp phần thiết thực giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người cao tuổi (NCT), những người yếu thế trong xã hội trong lúc nguy cấp để không ai bị bỏ lại phía sau.
“Già yếu - bệnh tật” là hoàn cảnh chung của nhiều cụ ông, cụ bà trong lúc trái gió trở trời, đặc biệt là những lúc bệnh nặng đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng lại không có xe chuyển bệnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể chứng kiến nhiều cảnh đời khó khăn nên đã phát huy vai trò quan tâm chăm sóc sức khỏe NCT, người yếu thế, sức khỏe kém, nhiều bệnh nền nên đã vận động các nhà hảo tâm chung tay đóng góp mua xe chuyển bệnh miễn phí cho người già thật sự có ý nghĩa đối với những gia đình nghèo. Ngoài góp phần chăm sóc sức khỏe cho NCT, còn có ý nghĩa giáo dục mọi người biết quý trọng NCT, quan tâm chăm sóc ông bà “tuổi càng cao, sức khỏe càng quý”. Đồng thời, nhận thấy được giá trị của sức khỏe. Từ đó, biết quý trọng, giữ gìn sức khỏe ngay lúc còn trẻ.
Người già, dù đã hết tuổi lao động, nhưng nếu có sức khỏe tốt vẫn có thể tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội. Bằng kinh nghiệm, tình thương con cháu, những NCT vẫn có thể chăm lo các bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, nuôi dạy các cháu nhỏ để bố mẹ chúng yên tâm công tác. Ngoài ra, họ cố gắng tự chăm lo sức khoẻ để không ốm đau, tránh trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Họ chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể để thành lập các CLB dưỡng sinh, thơ ca, CLB chăm sóc sức khoẻ… để giúp nhau có cuộc sống vui khoẻ. Hội NCT cũng là nôi sinh hoạt quan trọng để họ có điều kiện thăm hỏi nhau khi đau ốm, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các CLB để NCT sinh hoạt có chất lượng.
Kiểm tra định kì để đảm bảo xe chuyển bệnh an toàn. Ảnh Trọng Triết |
Khoảng 10 năm trước, khi phong trào đóng góp mua xe chuyển bệnh mới hình thành, nhu cầu chuyển bệnh cấp thiết mà khả năng còn hạn chế, các tổ chức từ thiện tính toán bằng cách mua lại xe ôtô qua sử dụng và cải tạo lại thành xe chuyển bệnh. Về sau, được sự ủng hộ của Nhân dân, đặc biệt có nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm đồng hành, hầu hết xe chuyển bệnh được mua đều là xe chuyên dụng mới hoàn toàn. Trong tổng số gần 200 chiếc xe chuyển bệnh toàn tỉnh, có 180 chiếc xe chuyên dụng, trị giá trên 120 tỉ đồng. Những chiếc xe đã cũ trước đó, khi không còn đảm bảo điều kiện đã được cải tạo thành xe mai táng, chở thuốc nam, vẫn phục vụ cho việc từ thiện. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh mở lớp tập huấn kĩ năng sơ cấp cứu cho tài xế xe chuyển bệnh miễn phí. Việc kiểm định xe được Hội Chữ thập đỏ phối hợp ngành chức năng thực hiện 2 năm/lần.
Huyện Châu Phú là nơi khởi đầu vận động mua xe chuyển bệnh từ thiện, đến nay đã có tổng cộng 29 chiếc xe. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú Trần Ngọc Phương cho biết, đang có địa phương tiếp tục vận động mua thêm xe chuyên dụng chuyển bệnh, nhất là các xã vùng sâu thực hiện phong trào rất mạnh. Hoạt động xe chuyển bệnh của mỗi xã đều có Ban điều hành do Hội Chữ thập đỏ xã quản lí, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, tiếp nhiên liệu và kí lệnh điều xe chạy các tuyến khi có trường hợp phải vận chuyển. Các thành viên một khi tham gia làm công việc này không nhận bất cứ khoản thù lao nào của thân nhân người bệnh, đặc biệt với các tài xế, phải xác định tình nguyện là trên hết. Khi người bệnh trở về an toàn, gia đình muốn đóng góp thì trực tiếp đến ban điều hành, tùy tâm, tùy hoàn cảnh và tự nguyện gửi lại.
Còn ở xã biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng đã có 2 xe chuyển bệnh chuyên dụng, trị giá trên 1,5 tỉ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp. Mỗi ngày có ít nhất 2 lượt xe chuyển bệnh nhân đi TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên hoặc tỉnh Đồng Tháp. Theo Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương Đoàn Văn Hổ, không kể ngày hay đêm, bất cứ khi nào người dân bệnh nặng gọi điện đến, thành viên trong đội xe cấp cứu từ thiện đều sẵn sàng. Mỗi chuyến xe chở người bệnh đến bệnh viện là một cuộc đua với tử thần. Nhờ sự hết lòng, tích cực của các thành viên, rất nhiều người đã qua cơn nguy kịch, được kịp thời cứu chữa giành lại sự sống.
Trên những chuyến xe chuyển bệnh, ngoài nghĩa cử to lớn cứu người còn dệt thêm nhiều câu chuyện kết thúc có hậu. Như trường hợp của ông Lê Văn Đúng, Tổ từ thiện xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú lái xe trở về trong đêm khuya sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển bệnh nhân lên TP Hồ Chí Minh, ông bắt gặp người bị tai nạn ở đoạn đường vắng, trong lòng lẫn lộn suy nghĩ lo sợ, nghi hoặc và lương tâm của người làm việc thiện. Cuối cùng ông Đúng quyết định giúp đỡ người đàn ông đang nguy kịch đến bệnh viện cứu chữa như đối với hàng ngàn bệnh nhân khác. Cơ duyên đó giúp ông có thêm một người bạn ngoài tỉnh, nhiều năm sau người này cưu mang con gái của ông Đúng khi lên TP Hồ Chí Minh học đại học và giờ đây trở thành sui gia với ông. Hơn 20 năm cầm vô-lăng đưa rước người bệnh, ông Đúng cẩn thận ghi chép vào sổ số lượt người, các phần đóng góp ủng hộ rõ ràng, minh bạch. Đến nay, xe chuyển bệnh đã giúp đỡ được hơn 10.000 lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân là NCT.
Những chuyến xe chuyển bệnh nhanh chóng, kịp thời đã giúp cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, đặc biệt là NCT có nhiều bệnh nền, sức khoẻ yếu dễ đau ốm vượt qua được cơn bạo bệnh. việc từ thiện nói chung và việc đóng góp mua xe chuyển bệnh nói riêng vì thế đã trở thành nét đẹp nổi bật của người dân An Giang.