Những phận người mưu sinh ở Sa Pa
Đời sống 19/08/2020 09:53
Những đứa trẻ bán hàng rong
Sa Pa - điểm du lịch nổi tiếng ở Lào Cai và vùng Tây Bắc, luôn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tại những điểm tham quan nổi tiếng như Nhà thờ Sa Pa, chợ tình, bản Cát Cát, Tả Van... ngoài đông đảo du khách vãn cảnh còn có nhiều em bé người dân tộc thiểu số lang thang bán hàng rong.
Ông Tín, 71 tuổi, nhà ở thị xã Sa Pa cho biết: “Những đứa trẻ sống ở các bản làng trong núi, được bố mẹ chở bằng xe máy xuống phố từ sáng sớm để bán hàng. Có em cùng gia đình thuê phòng trọ tá túc ở thị xã để cả nhà mưu sinh”.
Mỗi khi thấy du khách đến, các em nhỏ quây kín để chào hàng. Hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc lang thang khắp các ngõ phố, nhiều em địu theo em bé chỉ vài tháng tuổi đeo bám du khách bán hàng ở Sa Pa trong nhiều năm qua thật xót lòng.
Anh Huỳnh Minh, một du khách người Sài Gòn bảo: “Năm nào tôi cũng đến Sa Pa vào mùa Hè. Khí hậu ở đây mát mẻ, có khi tôi ở cả tuần. Chỉ có điều nhìn những đứa trẻ lang thang bán hàng thấy tội quá. Có lần tôi cho một cháu gái 10 nghìn đồng, vậy là bọn trẻ túm lại, lẵng nhẵng đi theo nài nỉ mua hàng, khiến tôi phải cho hết số tiền lẻ mà vẫn không đủ”.
Chị Say cùng các bà, các cụ bên sạp hàng |
Trước thực trạng này, UBND thị xã Sa Pa và các xã đều đưa ra giải pháp tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ em trở về nhà đi học; đề ra các chương trình hỗ trợ giúp bà con qua các dự án phát triển kinh tế, đào tạo nghề... Tuy vậy, vấn đề vẫn chưa đi đến đâu. Anh Hào một người lái tắc xi lâu năm ở Sa Pa cho biết, có thời gian chính quyền tuyên tuyền, vận động để trẻ em không đi bán hàng rong. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ thuyên giảm được một thời gian, sau đó lại bùng phát trở lại.
9 giờ tối, chúng tôi có mặt tại khu vực Nhà thờ đá Sa Pa. Những đứa trẻ vẫn đeo bên mình túi đồ cần bán, như bưu thiếp, túi, ví thổ cẩm và một số trang sức vòng tay, vòng cổ… nhiều đứa vẫn địu em sau lưng đang ngủ ngon lành.
Chật vật mưu sinh mùa Covid-19
Xuất thân từ đứa trẻ bán hàng rong ở Sa Pa cách đây hơn 20 năm, Chị Lù Thị Say, 32 tuổi chia sẻ: “Tôi ở xã Lao Chải xuống Sa Pa bán hàng từ năm lên 9 tuổi. Tôi có chồng và 4 đứa con, đứa bé nhất 3 tuổi. Hằng ngày chồng ở nhà làm nương, còn tôi và bọn trẻ đi bán hàng”. Bây giờ chị Say may mắn kiếm được một quầy hàng ở Trung tâm giới thiệu sản phẩm Sa Pa, nhưng cả tuần nay không bán được thứ gì nên khó khăn lắm.
Lê la trên phố |
Có sạp hàng gần chị Say là cụ Lù Thị Me, năm nay 100 tuổi. Cụ Me có 30 năm bán hàng ở thị xã. Cụ bảo chưa bao giờ bán hàng khó khăn như những ngày này. Ngày trước không có dịch Covid, mỗi tuần cụ bán được khoảng 500 - 700 nghìn đồng, khi nhiều được cả triệu, nhưng bây giờ cả tuần có khi không bán được đồng nào.
Bà Lý Thị Mú bảo, hàng của người dân tộc bán ở trung tâm này như khăn, gối, túi, quần áo… bằng chất liệu thổ cẩm do con dâu, con gái và các cháu ở nhà làm ra. Các sản phẩm không bắt mắt như hàng Trung Quốc, nhưng chất lắm. Người Tây họ thích, nhưng giờ không thấy họ đến nên ế ẩm. Tôi hỏi: “Không bán được hàng, con cháu có ai cho tiền không?”. Bà Mú lắc đầu.
Địu em đi bán hàng |
Bà Mú có 9 người con đều lập gia đình riêng. Bà đi bán hàng được tiền về đưa cho con trai trưởng mua phân, thuốc sâu để trồng cấy. Nếu bán được hàng bà sẽ ăn đủ 3 bữa một ngày, nhưng đợt này dịch Covid lại bùng phát nên mỗi ngày bà chỉ ăn một - hai bữa, khoảng 15 nghìn đồng. Khi hỏi hiện tại bà có bao nhiêu người cháu, bà lắc đầu, chỉ nhớ mình có 4 người con gái và 5 người con trai.
Tối ở trung tâm thị xã Sa Pa vẫn đông vui nhộn nhịp như phố cổ Hà Nội. Chị Say dọn hàng rồi lấy bạt quây lại và chỉ vào gian phòng rộng chừng 20m2 ở ngay trong Trung tâm giới thiệu sản phẩm Sa Pa bảo: “Đấy là phòng ngủ của chúng tôi. Trung tâm tạo điệu kiện cho các bà, các cụ chỗ nghỉ qua đêm không phải trả tiền. Còn ai muốn về nhà thì về, nhưng các bà, các cụ đi lại khó khăn nên thường ngủ ở đây luôn. Hôm nhiều có 7 - 8 người ở lại, có bà ở đây 1 - 2 tuần mới về nhà một lần”.