Những dấu hiệu tiêu cực, rất cần được làm sáng tỏ
Pháp luật - Bạn đọc 21/04/2022 11:07
Tiền bồi thường liên tục bị “ngót”
Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho hay: Gia đình ông có hơn 1,7ha đất, bị giải tỏa trắng bởi Dự án Khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2. Thế nhưng, khi chưa đưa ra bất kì quyết định thu hồi đất nào, UBND huyện Nhà Bè vẫn liên tục mời ông lên nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. “Họ thu hồi đất không theo luật và không bố trí tái định cư tại chỗ, đã thế còn ra quyết định cưỡng chế” - ông Tư bức xúc!.
Chưa hết, năm 2008 vợ chồng ông liên tục được ông Nguyễn Văn Trường, Phó ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, ra sức vận động nhận 14,8 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Do đơn giá bồi thường không thỏa đáng, gia đình ông không nhận. Một năm sau, ông Trường (lúc này làm Phó Chủ tịch UBND huyện) hạ số tiền xuống còn 12,3 tỉ đồng. Không dừng lại, giữa năm 2012, ông Trường ra tiếp quyết định giảm số tiền chỉ còn 10,1 tỉ đồng!
Sau hơn 14 năm triển khai, khu tái định cư rộng gần 30ha chỉ lác đác vài căn nhà và là... bãi rác |
“Thật không hiểu nổi, sau gần 4 năm, số tiền không tăng mà giảm hơn 4 tỉ đồng. Cho dù thời gian này, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực, Nhà nước cũng bổ sung chính sách bồi thường 40% đơn giá đất ở, cho diện tích đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư. Cán bộ lãnh đạo sao lại làm ăn tùy tiện, vô nguyên tắc đến vậy?" - ông Tư gay gắt.
Bồi thường trước… kẻng!
Điều lạ nữa, mặc dù ép phải nhận tiền, nhưng suốt từ năm 2008 đến năm 2011, gia đình ông Tư không nhận được quyết định thu hồi đất nào. Mãi cuối năm 2012, khi số tiền đã bị “gọt” gần 1/3, gia đình mới được tống đạt các quyết định thu hồi đất của huyện. Tuy nhiên, rất bất thường, thay vì ra một quyết định thu hồi, thì chính quyền lại xé lẻ, ban hành tới hơn 10 quyết định, hết sức lắt nhắt: Ngày 14/2/2012 ra đến 7 quyết định (có quyết định chỉ thu 93,7m2); gần 2 tuần sau, ngày 27/2/2012 ra 3 quyết định nữa; sau đó 1 ngày (28/2) lại “lòi” thêm 1 quyết định... Và đương nhiên, từ những quyết định “rối như canh hẹ” này, ông Trường cũng ban hành rất nhiều quyết đinh bồi thường “nát vụn” đi kèm...
Những người dân “mất đất” đang phải ở trọ, trong khi khu tái định cư vẫn hầu như là bãi đất hoang (ảnh nhỏ bên trên) |
Vậy, câu hỏi đặt ra: Vì sao UBND huyện Nhà Bè lại tác nghiệp lạ lùng, “rối rắm”, khi đất đai của gia đình ông Tư hết sức minh bạch, rõ ràng? Tương tự, tại sao trong các quyết định thu hồi, không sử dụng bản đồ kĩ thuật số 2005 hiện có, mà lại dùng số thửa của bản đồ cũ rích từ năm 1992?
Điều nữa, ngày 14/7/2005, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ra Công văn số 4.165 “Chấp nhận chủ trương giao 29,2ha đất cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, xây dựng khu tái định cư” và giao UBND huyện Nhà Bè, Sở Tài nguyên và Môi trường làm những thủ tục cần thiết, đồng thời “đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đất”. Thế nhưng, thực tế toàn bộ hơn 29ha của dự án lại không hề có quyết định thu hồi đất tổng thể, theo Luật Đất đai năm 2003, như ông Đua chỉ đạo. Và như vậy, phải chăng do không có quyết định thu hồi chung, nên chính quyền huyện mới ra hàng loạt quyết đinh “con”, thu hồi đất của gia đình ông Tư “tùy nghi”, như vừa nói!? Mặt khác, cũng do không có quyết định “gốc” (thu hồi chung) của thành phố, nên tất cả những quyết định thu hồi “cành nhánh” ăn theo của UBND huyện Nhà Bè là trái luật?! Còn nữa, nếu những quyết định trên không sai, thì cũng phải áp giá bồi thường tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất, tức phải theo Quyết định số 89 ngày 22/12/2010 của UBND thành phố Hồ Chí Minh
Nơi được cho là “tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Hiệp Phước”, nhưng lại có khu biệt thự, nhà vườn liên kế, khu thương mại... |
Không chỉ bất thường trong việc ra quyết định thu hồi, áp giá, tái định cư, mà ngay “tự thân” dự án cũng phát lộ nhiều điều khó hiểu. Thứ nhất, có cần thiết phải lập dự án quy mô đến hơn 29ha để tái định cư, trong khi số hộ thực tế phải di dời, do mở rộng Khu công nghiệp Hiệp Phước không nhiều (Bởi khu vực triển khai khu công nghiệp này chủ yếu là ruộng và biền lá, nhà cửa dân cư thưa thớt)? Thứ hai, đây là dự án được ghi rõ “Tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Hiệp Phước”, nhưng lại giao đất cho một doanh nghiệp, tức đơn vị hoạt động vì mục đích kinh tế, kiếm tìm lợi nhuận, mà không phải một ban quản lí thuộc chính quyền. Thứ ba, mang danh là dự án tái định cư, nhưng chủ đầu tư (công ty nơi có “sếp” là Tề Trí Dũng bị bắt giam vào tháng 5/2019, sau đó bị kết án 20 năm tù), lại được quyền “lập và trình duyệt dự án theo Nghị định số 90/2006/NĐ-CP”. Tức, lập dự án phát triển nhà, theo Luật Nhà ở, chứ không phải lập dự án tái định cư, theo Luật Đất đai.
Và, điều cực kì bất thường này được thể hiện tại Công văn số 5.575 ngày 30/8/2007, do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín kí (tháng 12/2019 ông Tín bị kết án 7 năm tù, do giao hàng loạt bất động sản “vàng” cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”). Thứ tư, việc bồi thường “trước kẻng” là có sự chỉ đạo của chính quyền thành phố. Cụ thể, ngày 19/8/2006, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua ra Văn bản số 6.844, cho phép chủ đầu tư và hội đồng bồi thường thực hiện “bồi thường trước theo hướng chuyển nhượng cho chủ đầu tư trước khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt"(!).v.v. và v.v...
Văn bản số 4.165 do ông Nguyễn Văn Đua kí |
Cơ quan chức năng cần “vào cuộc”!
Tất cả những bất thường, khó hiểu nêu trên cho thấy dấu hiệu tiêu cực nghiêm trọng, thông qua việc tạo dựng một dự án tái định cư, để “thôn tính” đất, kinh doanh địa ốc. Và, điều đó càng được “nhấn mạnh” khi khu đất rộng tới gần 30ha, dưới “mác” tái định cư, đã chuyển giao cho một công ty cổ phần (có lãnh đạo huyện góp vốn)... Đây rõ ràng là những dấu hiệu lợi ích nhóm, tham nhũng rất cần làm sáng tỏ.
Cũng cần nói thêm, những ngày qua, rất nhiều hộ dân bị thu hồi đất để mở rộng Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 tố với phóng viên: Từ nhiều năm qua, sau khi bị “mất đất” họ vẫn phải thuê nhà ở trọ. Do chính quyền huyện không bố trí tái định cư (chỉ nói miệng chung chung là được cấp nền tái định cư, mà không cụ thể ở vị trí nào trên thực địa. Khi có hộ yêu cầu được xây nhà, cũng không cho, vì “chưa có cơ sở hạ tầng”). Ấy là chưa đề cập, giá bồi thường, hỗ trợ quá bèo, không thỏa đáng…
Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về ai? Ngày 14/2/2022, TAND tối cao đã có Quyết định kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán hủy Bản án giám đốc thẩm của TAND ... |