Những cách phòng bệnh xương khớp vào mùa lạnh
Sống khỏe 04/12/2020 07:37
Bệnh đau nhức xương khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa lạnh. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xương khớp, khi nhiệt độ hạ thấp, cơ thể thường có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường. Ngoài ra, không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da, từ đó làm cho mạch máu tại các vùng da này co lại, làm giảm lưu thông của dịch khớp. Khi máu đến các khớp xương bị hạn chế dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích gây đau nhức.
Vì vậy, để phòng bệnh đau nhức xương khớp vào mùa lạnh, người cao tuổi, người có bệnh xương khớp nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản dưới đây, theo gợi ý của các chuyên gia.
Bệnh đau nhức xương khớp thường trở nên trầm trọng hơn vào mùa lạnh (Ảnh minh họa) |
Giữ ấm cơ thể hợp lý
Vào mùa lạnh, nên mặc quần áo đủ ấm. Dùng thêm khăn quàng cổ, găng tay và tất để giữ ấm các bộ phận cơ thể này. Bởi, các khớp ở ngón tay, ngón chân là những khớp nhỏ nằm ở xa cơ thể nên thường sẽ bị nhiễm lạnh đầu tiên so với các khớp lớn hơn.
Hạn chế để tay chân bị ẩm ướt. Khi các khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng cần làm nóng, ấm xung quanh vị trí đau bằng máy sấy hoặc chườm nóng… để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông dễ dàng đến nuôi các khớp giúp giảm đau.
Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp ngâm nước nóng có tác dụng tăng cường tuần hoàn ở bên trong, giúp làm ấm cơ thể hiệu quả. Tuy nhiên, tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn.
Vận động hợp lý
Thông thường, những người có bệnh đau nhức xương khớp, vào mùa lạnh thường có tâm lý sợ cử động hơn. Tuy nhiên, điều này càng khiến các khớp tê cứng và bệnh càng nặng thêm. Do đó, vào mùa lạnh cũng cần vận động nhưng theo một cách khoa học, hợp lý.
Trước khi rời khỏi giường vào mỗi buổi sáng, người bệnh cần tập co duỗi các ngón tay, chân và các khớp lớn để giảm bớt cảm giác tê cứng.
Lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày. Với người già có thể đi bộ, chạy bộ chậm, tập yoga, dưỡng sinh hoặc đạp xe.
Nên lựa chọn hình thức vận động hợp lý phòng bệnh xương khớp (Ảnh minh họa) |
Trường hợp, khớp có biểu hiện sưng nóng đỏ và đau, chứng tỏ bị viêm cấp tính. Khi đó nên hạn chế vận động, hỗ trợ để giảm áp lực cho khớp bằng cách dùng gậy chống, vịn tay, mang găng tay…
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Người đau nhức xương khớp nên lựa chọn những thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ, hạt óc chó…
Tránh xa các chất kích thích và đồ uống có cồn như thuốc lá, rượu, bia. Thậm chí là các bữa tiệc thịnh soạn vì có thể gây ra một cơn gout cấp, làm tình trạng đau nhức xương khớp thêm trầm trọng.
Ngoài ra, nên cung cấp đủ nước cho cơ thể. Ngoài nước lọc, có thể lựa chọn các loại trà tốt cho cơ thể như trà hoa cúc, trà gừng, trà atiso, trà bạc hà…
Dùng thuốc theo chỉ định
Khi bị đau nhức xương khớp nên đi khám sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau tại nhà có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.