Những ấn tượng về nhà sàn của Bác
Xã hội 29/08/2023 09:41
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về ngôi nhà sàn của Bác đậm chất nhân văn, sáng ngời đạo đức của Người: “Khi đến thăm ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người xúc động trước đời sống khiêm nhường, giản dị, thanh bạch mà cao quý của Người. Bởi nhà sàn đơn sơ, chỉ có vài phòng, trong khi tâm hồn của Bác lộng gió bốn phương và thoang thoảng hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy, thanh bạch và tao nhã biết bao!”
Nhiều khách quốc tế thăm nhà sàn Bác Hồ, đã xúc động, có những cảm nhận chân thành. Tháng 1/1994, ông Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Việt Nam, vào thăm nhà sàn Bác Hồ, ghi cảm nhận: “Hồ Chí Minh. Cách mạng đích nhân sinh. Liêm khiết đích khả mô” (Hồ Chí Minh. Một đời vì sự nghiệp cách mạng. Tấm gương sáng về đạo đức liêm khiết).
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ đến thăm ngôi nhà sàn Bác Hồ, ghi cảm tưởng: “Nơi đây thực sự là một thánh đường. Một trong những vĩ nhân của thế kỉ này đã sống và phục vụ đất nước của Người, trong căn nhà gỗ rất khiêm tốn. Mà thực ra, Người phục vụ cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Sự cống hiến lớn lao của Người; sự giản dị và mục đích cao cả của Người dường như đã thấm vào từng bức tường, sàn gỗ của căn nhà”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia đứng lặng trước nhà sàn Bác Hồ và ghi cảm tưởng: “Sự giản dị và liêm khiết của căn nhà gỗ, nơi một vị lãnh tụ của châu Á và thế giới đã sống, làm chúng tôi có một ấn tượng sâu sắc...”.
Nhà báo Ottraylia David Stem quan sát với con mắt của kí giả quanh ngôi nhà sàn, cảm nhận: “Chúng tôi hiểu và nghiệm ra rằng, chính sự giản dị ấy, khả năng hòa mình vào Nhân dân, là cơ sở cho sự thành công của ông. Địa vị càng cao, ông càng giản dị, trong sạch hơn. Sinh thời ông luôn giữ được giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam”.
Nữ sử học Mỹ Jslason đã đến Việt Nam nhiều lần. Bà có mấy đầu sách viết về Việt Nam. Đến thăm nhà sàn của Bác, bà viết: “Tôi đã vào nhà Người, xem xét của riêng nhưng Người không có của riêng. Thật hiếm thấy chính khách nào khi lên cầm quyền đã ban hành sắc lệnh trân trọng và bình đẳng cho phụ nữ như Chủ tịch Hồ Chí Minh...”
Với Tố Hữu, đang điều trị ở Bệnh viện Việt Xô, nghe tin Bác mất, nhà thơ đã chạy trong mưa về căn nhà sàn và quang cảnh nơi đây, đau đớn:
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa
Và hỏi:
Trái bưởi kia vàng, ngọt với ai?
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài?
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ im, mây trắng bay.
Đau xót, tiếc thương Bác vô hạn, qua câu hỏi, câu cảm, cảnh ngụ tình, nhân cách hóa, nhà thơ thổn thức: Bác đã đi rồi sao Bác ơi!
Người sống giản dị, thanh bạch, có lòng nhân ái bao dung:
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Từ mái nhà sàn đơn sơ, cuộc đời của Bác Hồ là sự sống vĩ đại; là sự nghiệp bảo vệ sự sống, làm cho sự sống có ý nghĩa tốt đẹp hơn.