Nhộn nhịp mùa cà phê ở Tây Nguyên
Kinh tế 10/11/2022 08:58
Mặc dù thời tiết năm nay vẫn có lúc đỏng đảnh, thất thường, và có một số ít các rẫy cà phê cho trái không nhiều, nhưng nhìn chung cà phê năm nay ở Tây Nguyênsai trái, được mùa. Qua khảo sát và trò chuyện với bà con trồng cà phê ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk,… chúng tôi được biết, năm nay cà phê đậu trái tăng từ 5-10% sản lượng so với vài năm trước. Nếu vụ cà phê năm 2020, trung bình 1 ha chỉ cho thu khoảng 3 tấn cà phê nhân, năm nay cũng với diện tích ấy sản lượng đạt từ 3,5-4 tấn cà phê nhân. Bà Trần Thị Năm, 54 tuổi, ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, gia đình bà trồng 3 ha cà phê đã nhiều năm, chưa năm nào cây cho trái sai như năm nay. Không chỉ chủng loại cà phê Rubusta, Arabica, mà hầu hết các chủng loại cà phê khác cũng đều cho trái sai trĩu cành.
Một gia đình ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đang thu gom cà phê sau một ngày thu hái. |
Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Tuân, ở xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trồng gần 4 ha, mọi năm thu nhập khoảng 10 tấn cà phê nhân, thì năm nay do cà phê đậu trái sai, nên sản lượng tăng khoảng12 tấn cà phê nhân.
Không chỉ tại tỉnh Lâm Đồng, mà các vùng đất chúng tôi đi qua trong mùa thu hái cà phê, như Đắk Nông, Gia Lai, và nhất là “thủ phủ” của cà phê ngon nức tiếng - Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đều thấy bà con phấn khởi vì cà phê được mùa. Chị Lê Thị Hân, ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột nói: “Nhà tôi trồng 2 ha cà phê, 2 năm gần đây chỉ cho thu mỗi ha chưa đầy 3 tấn cà phê nhân, vậy nhưng năm nay trái rất sai, và mặc dù chỉ đang thu hái, nhưng với mức độ cây đậu trái nhiều như vậy thì gia đình tôi dự kiến sẽ thu được khoảng hơn 3 tấn cà phê nhân/1ha”. Cũng theo chị Hân, không riêng gì gia đình chị, mà rất nhiều hộ dân trong vùng đều vui mừng vì cà phê được mùa, trái nhiều, sản lượng tăng.
Cà phê năm nay trái sai trĩu cành, lại được bán được giá cao, nên đã mang tới niềm vui cho hết thảy người nông dân... |
... Và được giá!
Không chỉ được mùa, mà bà con còn niềm vui khi giá cà phê được mua khá cao. Vụ cà phê năm 2019, 2020, chỉ có giá 6.500 đồng đến 6.900 đồng/1kg cà phê tươi; cà phê nhân chỉ từ 31.000 đến 34.000 đồng/1kg; thì vào đầu vụ cà phê năm nay, giá cà phê trái tươi được “niêm yết” thu mua từ 9.200 đồng đến 9.500 đồng/1kg; cà phê nhân là từ 41.000 đến 43.000 đồng/1kg. Anh Lí Anh Tuấn, ở thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai trồng 2,5 ha cà phê, cho biết, năm ngoái, giá cà phê tăng so với các năm trước, nhưng năm nay giá cà phê còn tăng cao hơn. Việc cà phê tươi có giá 9.000 đồng/1kg; cà phê nhân tkhoảng 42.000 đồng/1kg, được xem là mức giá “đỉnh” trong vòng 10 năm trở lại đây.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, trồng 3 ha cà phê, tâm sự: “Trừ niên vụ cà phê năm 2021, lãi được chút xíu, chứ các năm 2018, 2019, giá cà phê xuống thấp, người trồng cà phê như chúng tôi vô cùng vất vả, mà lại không có lãi. May mà vụ cà phê năm nay được mùa, giá tăng, nên vì thế mà bà con trồng cà phê sẽ mát mặt hơn đôi chút”. Được biết, vụ cà phê này nhà chị Hồng thu được gần 60 tấn trái tươi, với mức giá 9.200 đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng. Theo chị Hồng, sau khi trừ hết chi phí, gia đình lãi hơn 300 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình chị Hồng, năm nay rất nhiều bà con nông dân đều có kế hoạch bán luôn cà phê tươi, bởi giá trái tươi khá cao, trong khi nếu đợi phơi sấy, chế biến để có thành phẩm cà phê nhân thì cần rất nhiều công sức và tiền bạc. Đó còn chưa kể rỉu ro do thời tiết gây ra và biến động về giá cả, nên với mức giá khoảng 9.000 đồng/1kg, người trồng đã được xem là có lãi khá.
Chia tay vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, hoà chung niềm vui của bà con với cà phê vừa được mùa lại được giá; chúng tôi cầu chúc cho thị trường cà phê luôn ổn định, mức giá đạt cao.