Nhớ bánh chưng sắn
Đời sống 17/01/2024 10:26
Ngày ấy, quê tôi nghèo lắm, đồng đất thì khô cằn sỏi đá, đồi núi lô xô như bát úp và duy chỉ có cây sắn là không phụ công người trồng. Có thể nói cây sắn đã gắn bó với biết bao kỉ niệm tuổi thơ gian khó của chị em tôi, như một mảng màu đậm nét trong bức tranh về quê hương không bao giờ phai. Từ trò chơi con trẻ đến những món ăn hằng ngày nuôi chúng tôi lớn lên cũng đều có sắn. Nói đến các món ăn được chế biến từ sắn thì ai cũng biết như sắn luộc, sắn nướng, các loại bánh sắn, cháo sắn, canh sắn,… Nhưng bánh chưng sắn dùng cho những ngày Tết Nguyên đán thì chỉ những ai trải qua tháng ngày đói khổ, mới được thưởng thức.
Bánh chưng sắn |
Bắt đầu vào những ngày 28, 29 Tết, khi đây đó trong làng vang lên tiếng lợn kêu eng éc, khói nấu bánh bay lởn vởn trên những nóc nhà, thì cũng là lúc chị em tôi háo hức cùng mẹ ra vườn cắt lá dong về gói bánh. Mẹ phân công mỗi đứa một việc phụ mẹ, đứa cọ cho lá dong thật sạch, đứa đãi đỗ, đãi gạo, còn mẹ lo chọn những củ sắn nếp tròn múp như những bắp ngô, gọt vỏ rửa cho thật sạch và ruôi (nạo) ra thành những sợi sắn trắng ngần, đó là một trong 2 nguyên liệu chính để gói bánh chưng. Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, mẹ ngả cái nong to như cái giếng làng ra giữa nhà để gói bánh. Tuy mỗi năm chỉ được làm một lần, thế mà từng thao tác được mẹ làm thuần thục cứ như nghệ nhân chuyên gói bánh vậy. Bước đầu là những tàu lá dong được trải ra xếp hình dấu cộng trên cái mâm nhôm, (lúc này gạo nếp và sắn đã được trộn đều vào nhau theo tỉ lệ 2 sắn, 1 gạo).
Tuy nhiên, năm nào cũng vậy mẹ sẽ gói riêng mấy cặp bánh nguyên gạo nếp để cúng tổ tiên và đãi khách. Sau đó mẹ dải một bát con gạo, sắn sau đó đến những miếng thịt lợn, đậu xanh làm nhân. Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt của mẹ gập từng nếp lá, chỉ qua vài ba thao tác là đã được một chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh, mẹ làm cả bánh chưng vuông và bánh chưng tày. Chị em tôi chăm chú theo dõi, những đôi mắt trẻ thơ hau háu nhìn theo tay mẹ qua từng động tác. Phần vì đói, phần vì tò mò nên chúng tôi háo hức, mới hình dung miếng bánh chưng được cắt ra bốc khói nghi ngút là cục yết hầu ở cổ đã trồi lên, tụt xuống liên hồi.
Chỉ sau hai tiếng đồng hồ là những chiếc bánh đã được sắp vào cái nồi to đùng đặt trên bếp lò và nổi lửa. Bữa cơm ngày Tết tuy đơn sơ nhưng thật ấm áp, những lát bánh chưng được cắt ra, chị em tôi thi nhau hít hà và ăn một cách ngon lành, không ai có cảm giác đấy là bánh chưng sắn cả.
Thời gian trôi, thoáng cái đã 30 năm có lẻ. Đêm 30 Tết, trời rét căm căm, chúng tôi lại được ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa đói khổ. Những câu chuyện ấy tôi đã từng nghe từ thời còn nhỏ, giờ nghe lại vẫn thấy xao lòng… Dẫu bây giờ bánh chưng nhiều thịt, nhiều đậu thơm ngon nhưng chị em tôi vẫn nhớ bánh chưng ngày xưa của mẹ. Đó là những chiếc bánh chưng mang nặng tình yêu thương của một đời tần tảo, nhọc nhằn vất vả, thấm đẫm mồ hôi và công sức của mẹ tôi…