Nhiều người cao tuổi mong muốn được tiếp tục làm việc
Đời sống 09/11/2020 10:00
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, có tới 60% NCT từ 60 - 69 tuổi đang tiếp tục làm việc. Ngoài đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT, thì cần tạo điều kiện cho NCT lao động trong khả năng, để vừa tạo thu nhập cho bản thân, vừa góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra. Vì khi bước vào giai đoạn già hóa dân số, việc sử dụng người lao động là NCT là nguồn lực cần thiết.
Luật NCT quy định Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động… Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012 - 2020 cũng đặt mục tiêu: 50% NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh có nhu cầu được hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất kinh doanh, phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất.
Kết quả nghiên cứu vào tháng 6 - 8/2020 tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy khoảng 40 - 45% NCT tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có 3 - 4% là chủ các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, còn hàng vạn NCT tiếp tục nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Trao đổi về tạo sinh kế cho NCT, TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Để chủ động thích ứng với tuổi già, Nhà nước cần có chính sách bắt buộc công dân tích lũy ngay từ khi còn trẻ và chính sách hỗ trợ công dân tham gia hoạt động sinh kế khi trở thành NCT nhưng còn sức khỏe, để bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập, phòng ngừa nguy cơ bị bỏ mặc ngược đãi, bạo lực”. Ông cũng khuyến nghị, chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đồng bằng và thành thị. Cụ thể là: Chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội NCT cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Chính sách miễn giảm các loại phí: Học nghề để chuyển đổi phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; Tham gia các khóa học về khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư; Chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ mới; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc quảng bá, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩn xanh - sạch - an toàn; Bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp khi gặp rủi ro, đặc biệt là do thiên tai, dịch bệnh thông qua chính sách trợ cấp bù đắp thiệt hại; Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
TS Nguyễn Lê Minh, người hoạt động nhiều trong lĩnh vực hướng nghiệp thanh niên và quốc gia khởi nghiệp và cũng là NCT, khẳng định, ngoài lĩnh vực nông nghiệp với NCT ở nông thôn, nhiều NCT ở thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Hiện cả nước có gần 400.000 NCT làm kinh tế giỏi. Nhiều chính sách liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp NCT được cụ thể hóa trong Luật NCT. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH còn giao cho Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu vấn đề “Khởi nghiệp cho NCT”.
Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Hiện nhiều quốc gia rất quan tâm đến NCT khởi nghiệp bởi nhận thức đây là một nguồn lực quý báu. NCT có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt, đội ngũ trí thức là NCT có trình độ học vấn, chuyên môn tích lũy nhiều năm, vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Sẽ là một thiếu sót, một thiệt thòi và lãng phí rất lớn nếu để NCT đứng bên lề của quá trình khởi nghiệp quốc gia.