Nguyên nhân sâu xa việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria
Quốc tế 11/10/2019 09:01
Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích vì quyết định bỏ mặc liên minh do người Kurd dẫn đầu - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria, đồng thời bật đèn xanh cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực có đông người Kurd sinh sống.
Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ chính các thành viên đảng Cộng hòa và kêu gọi ông xem xét lại quyết định của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng, mặc dù người Kurd “đã chiến đấu cùng chúng ta” nhưng họ đã được trả tiền và thiết bị để làm điều đó.
Lí do Thổ Nhĩ Kỳ muốn tấn công người Kurd ở Syria
Người Kurd là dân tộc thiểu số lớn nhất thế giới mà không có đất nước riêng của mình. Gần 35 triệu người Kurd đang sống dọc biên giới các nước Iraq, Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó, nhiều nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Ảnh Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ |
Suốt nhiều thập kỉ, họ đã đấu tranh để thành lập nhà nước người Kurd, trong khi đối mặt với việc cuộc trấn áp từ các chính phủ. Điều này dẫn tới việc hình thành nhiều nhóm người Kurd khác nhau khắp khu vực.
Khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy ở Trung Đông năm 2014 và chia cắt các đường biên giới phía Tây khắp Syria và Iraq thì người Kurd, nhận thấy chính mình là nhóm thành công nhất trong việc kiềm chế IS.
Sau đó, được Mỹ hậu thuẫn chống lại IS, cuộc chiến đã lôi kéo nhiều nhóm người Kurd khác lại với nhau. Họ nghĩ tới việc một nhà nước người Kurd có thể được hiện thực hóa một ngày nào đó.
Tuy nhiên, đối với những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có cuộc chiến kéo dài với người Kurd tại khu vực Đông Nam nước này, lại nhìn thấy một bối cảnh phức tạp. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích thành lập khu vực tự trị người Kurd bằng vũ lực. Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác trong đó có Mỹ, Australia, coi PKK là một nhóm khủng bố.
Đằng sau quyết định bị chỉ trích của Trump
Lực lượng Mỹ đã làm việc bên cạnh các lực lượng người Kurd trên thực địa và đã cung cấp những hỗ trợ thiết yếu suốt nhiều năm cho cuộc chiến chống IS.
Nhiều người Kurd trong khu vực đã hi vọng rằng, một khi chiến thắng trước IS, họ có thể thành lập một đất nước độc lập. Tuy nhiên, cũng giống như thời hậu Thế chiến 1, người Kurd lại bị đối xử một cách bất công. Ví dụ, năm 2017, sau khi đánh bại IS ở Iraq, người Kurd ở Iraq đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân giành độc lập với hơn 90% số người ủng hộ. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây phản đối việc tổ chức trưng cầu ý dân này, chính quyền Iraq cũng không công nhận tính hợp pháp của nó.
Năm 2018, khi Mỹ tuyên bố đánh bại IS ở Syria, Tổng thống Trump đặt ra kế hoạch bắt đầu rút lính Mỹ khỏi Syria, nhưng sau những lời cáo buộc “bỏ rơi” đồng minh người Kurd, ông đã đình chỉ kế hoạch rút quân.
Tháng 8/2019, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thiết lập một vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà giới chức người Kurd cũng bày tỏ sự ủng hộ và tiến tới dỡ bỏ các công sự biên giới trong bối cảnh có sự bảo đảm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công.
Nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng khi Tổng thống Trump lại tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi miền Bắc Syria.
Tương lai nào cho người Kurd ở Syria?
Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã cảnh báo việc để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền Bắc Syria đồng nghĩa với việc gửi đi một thông điệp đầy bất trắc tới các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập “vùng an toàn” 32km dọc biên giới Syria với hi vọng sử dụng khu vực này để hồi hương 3,6 triệu người Syria hiện đang sống tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd ở Syria có thể mất tất cả”, Wladimir van Wilgenburg, một nhà phân tích, đồng thời là tác giả cuốn sách “Người Kurd ở miền Bắc Syria” nói.