Người hát “Trai rừng” nơi biên cương
Đời sống 04/02/2020 14:20
Ông bảo, năm 2012, ông làm Trưởng đoàn ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn sang dự hội nghị ở Lào Cai, nghe thấy bài hát “Trai rừng”, ông mê lắm. Năm 2013, sau khi nghỉ hưu, ông được mời dự khai mạc Hội chợ du lịch trên đỉnh Mẫu Sơn và lại được nghe bài hát này, thế là quyết tâm học kì được. Bài hát hay, đúng với cách sống, cách nghĩ của người vùng cao.
Tôi gạ: “Bác hát “Trai rừng” để em học và thỉnh thoảng có đi miền núi thì hát”. Ông vui vẻ lấy giọng rồi say sưa: “Trai rừng, như cây thông mọc thẳng. Nói lời yêu cũng thẳng. Tao thích mày. Zey… Trai rừng, dám cầm tay, dám vẹo má người yêu giữa chợ. Tao thích mày. Zey… Trai rừng làm cán bộ vẫn là dân, đôi chân trần vượt đường xa bảo nhau xây tổ ấm. Khách đến… rải chiếu xuống nền nhà, uống rượu ngô thoải mái. Say rồi… say rồi thì ở lại. Say rồi thì ở lại đến mai. Trai rừng không có tuổi từ lúc tóc còn xanh. Trai rừng khi mái đầu điểm bạc vẫn thích cười, thích hát…”.
Nhìn mái đầu bạc và nghe ông hát, tôi cảm nhận được tất cả tâm huyết của một “trai rừng” qua bài hát. Ông Tăng sinh năm 1952, người dân tộc Tày, quê ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia. Cả đời ông gắn với núi rừng quê hương, trải qua nhiều cương vị công tác từ kĩ sư nông nghiệp, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch huyện đến Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi về hưu lại làm Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh. Mẹ ông là cụ Mỗ Thị Kịt, 98 tuổi, là Nghệ nhân dân gian về hát then nên ông thừa hưởng được từ mẹ niềm say mê văn nghệ. Ông sử dụng sáo Mông khá điêu luyện và có giọng hát cuốn hút, nhất là những bài về vùng cao. Lần dự hội nghị giao ban cụm thi đua ở Hội NCT tỉnh Tuyên Quang, ông mang theo cây sáo Mông và giao lưu với Đội văn nghệ NCT ở đây vui vẻ, tự nhiên như người nhà. Có lẽ đó cũng là lợi thế của một cán bộ Hội khi đến với NCT.
Lại nhớ khi dự hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác tham gia phòng chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” ở Hội NCT tỉnh Lạng Sơn, tôi có dịp trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Đắc Cường, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Anh Cường cho biết, vai trò của người già trong phòng chống tội phạm ma túy quan trọng lắm. Từng người, từng nhà trong bản, ai đến, ai đi, ai có biểu hiện khác thường các cụ đều nắm được. Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, các cụ thông tin cho chính quyền, công an, bộ đội biên phòng hoặc trực tiếp tuyên truyền, vận động các đối tượng. Vì thế để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy ở cơ sở phải vận động được NCT tham gia. Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã thực hiện tốt chủ trương đưa đảng viên là cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm về sinh hoạt Đảng 2 chiều tại thôn, bản để gần gũi, nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động Nhân dân và NCT tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.
Liên tưởng với bài hát “Trai rừng”, tôi thấy thật chí lí. Ông Tăng từng kể hồi trẻ có lần vào bản, được một cụ già mời uống rượu, ông không biết uống nên từ chối và bị cụ ghét. Cụ bảo: “Tôi từng này tuổi đầu, mời anh chén rượu, anh không uống, mà anh thì bằng tuổi cháu tôi chứ mấy”. Theo ông, đó là bài học đầu tiên về công tác dân vận. Vì thế, những chiến sĩ biên phòng, công an trẻ tuổi hay những cán bộ tuổi cao như ông Tăng khi gắn bó với đồng bào và nhất là NCT các dân tộc miền núi đều có trái tim của “trai rừng”. Họ “làm cán bộ vẫn là dân, rải chiếu xuống nền nhà, uống rượu ngô thoải mái” và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con để “cùng nhau xây tổ ấm”. Ở ông Tăng, tinh thần ấy còn đúng cả trong lời hát “Trai rừng khi mái đầu điểm bạc vẫn thích cười, thích hát…”.
Đứng bên ông nơi cột mốc số 1116, 1117 ở Cửa khẩu Hữu Nghị, nghe người cán bộ biên phòng giới thiệu về tình hình biên giới, tôi thấy ông vui lắm. Có lẽ, trong ông vẫn nao nức khúc hát “Trai rừng” giữa mùa hoa đào Lạng Sơn đang khoe sắc.