Người giữ hồn nghề đồ chơi Trung thu truyền thống
Đời sống 26/09/2023 09:58
Phường Chi Lăng vốn là điểm cung cấp chính đầu lân, đèn ông sao, đèn con cá, ông tiến sĩ giấy và nhiều đồ chơi Trung thu truyền thống khác ở tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận. Không chỉ múa lân, phá cỗ, hát trống quân, mà đèn lồng Chi Lăng là một món ăn tinh thần của người dân Cố đô mỗi dịp Tết Trung thu.
Bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: "Tôi làm nghề này được hơn 50 năm nay rồi. Năm lên 8 tuổi, cụ thân sinh đã truyền nghề cho tôi, lúc đó nhỏ thì làm việc nhỏ như dán giấy màu thôi chứ chưa được làm khung. Sau này cứng tay hơn thì mới được làm khung và từ đó đến nay, tôi chưa bỏ một năm nào là không sản xuất đèn lồng, đồ chơi Trung thu”.
Bà Nguyễn Thị Huyền |
Mỗi sản phẩm từ đèn ông sao đến tiến sĩ giấy… đều yêu cầu người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, chau chuốt và khéo léo. Bởi lẽ, mỗi công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng đôi bàn tay của những người nghệ nhân mà không có sự can thiệp của máy móc hay công nghệ. Bà Huyền chia sẻ, khâu chuẩn bị nguyên liệu được rục rịch thực hiện từ đầu tháng 5 âm lịch. Lúc này, bà phải đi quãng đường hơn 70km để đến huyện vùng cao A Lưới tìm mua và chọn lọc những bó nứa đạt tiêu chuẩn. Quá trình sơ chế và chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện ngay sau đó. Các sản phẩm được hoàn thiện dần từ khoảng đầu tháng 5 đến khoảng đầu tháng 8 âm lịch. "Dù vất vả nhưng giờ quen với công việc này rồi. Đến dịp Trung thu mà không làm đèn, làm đồ chơi cho các cháu mình cảm thấy trống vắng. Cũng vui vì được góp chút công sức cho Tết Trung thu thêm trọn vẹn", bà Huyền phấn khởi nói.
Là những sản phẩm thủ công nên tốn nhiều thời gian và công sức để tạo ra thành phẩm tuy nhiên giá của chúng lại chỉ ở mức thấp đến rất thấp. Theo tìm hiểu, giá của mỗi món đồ chơi dao động từ 30.000 - 60.000 đồng tuỳ sản phẩm. Bà Huyền cho biết: “Trung bình mỗi giờ làm việc chỉ nhận được khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Mức thù lao này còn thấp hơn rất nhiều những công việc khác nhưng tôi còn làm là vì tình yêu, sự đam mê với nghề”.
Hiệu quả kinh tế thấp cũng là lí do chính khiến nhiều hộ trong phường đã chuyển hẳn sang tìm nghề khác. Anh Trần Văn Sơn, con trai bà Huyền, nhiều lần khuyên bà bỏ nghề rồi nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, vì tình yêu với nghề mà vẫn cặm cụi cho từng món đồ chơi Trung thu truyền thống.
Một niềm vui duy nhất là cho đến nay, chính quyền các cấp cũng như các tổ chức xã hội vẫn quan tâm đến những đồ chơi truyền thống, thường xuyên thăm hỏi động viên bà giữ nghề truyền thống. Các kì Festival nghề truyền thống Huế, bà được Ban tổ chức mời tham gia và hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ em, những đồ chơi dân gian của bà từ đó được nhiều người biết đến hơn. Đoàn thanh niên địa phương tổ chức những hoạt động vui chơi mỗi dịp Trung thu như rước đèn, phá cỗ… mà đồ chơi chính được sử dụng là những đồ chơi truyền thống nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hoá cổ truyền của đất nước.
Nhưng giờ, điều bà Huyền trăn trở và lo lắng nhất là có còn ai kế tiếp mình tiếp tục thắp sáng cho những đèn ông sao vào mỗi dịp Trung thu. Nguy cơ về một làng nghề truyền thống trong quá khứ trước đây sẽ chỉ còn trong kí ức…