Người dân khu Ó “ngóng” điện lưới
Đời sống 17/01/2024 10:32
Trẻ con phải đi học nhờ
Yên Nhân là xã vùng cao của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ cuối năm 2011, hầu hết hộ dân trong xã đã có điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, ở những khu vùng sâu, vùng xa của xã hiện bà con vẫn mong ngóng điện về để xua cái đói, cái nghèo.
Dẫn chúng tôi vào thăm khu Ó, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng khu Ó cho biết: Na Nghịu là thôn đặc biệt khó khăn còn lại của xã, với hơn 250 hộ dân. Riêng khu Ó có khoảng 50 hộ, nhưng mới chỉ có 4-5 hộ gia đình đã thoát nghèo, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của bà con khu Ó gặp rất nhiều khó khăn do chưa có điện lưới. Người dân muốn xay xát gạo phải gùi lúa vào tận khu trung tâm của thôn, trẻ con phải dùng đèn pin để học bài. Một số gia đình không có điều kiện thì đành để con sang nhà hàng xóm học nhờ.
Người dân khu Ó mong ngóng điện về xua tan nghèo đói. |
Sinh sống ở khu Ó nhiều năm nay, vợ chồng ông Hà Đình Toàn (56 tuổi, dân tộc Thái) sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái), do cuộc sống quá khó khăn nên các con phải lặn lội vào các tỉnh phía Nam làm thuê. Ông Toàn sống cùng người con dâu cả và 4 cháu nội tại địa phương. Do bị đau chân nhiều ngày nay, ông Toàn không thể lên rừng chặt thêm cây vầu, nứa cải thiện thu nhập. Trong khi đó, chị Ma Thiết (32 tuổi, con dâu ông Toàn) bận bịu 4 con nhỏ nên chỉ tranh thủ lên rừng kiếm củi, chặt lá vào cuối tuần. Căn nhà, nơi sinh sống có 3 thế hệ với 6 người đã quá xập xệ, cũ nát, gió lùa tứ bề nhưng không có tiền để xây mới. Thậm chí, nơi nghỉ ngơi của ông là gian bếp xập xệ, được quây tạm bằng bạt, mỗi khi trời đổ mưa lớn, quần áo, đồ đạc bên trong ướt sũng.
“Trong đợt xét duyệt cách đây không lâu, gia đình ông Toàn đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà mới. Tuy nhiên, do điều kiện quá khó khăn nên gia đình ông từ chối đăng kí”, ông Bình cho hay.
Để có ánh sáng cho các cháu học hành, ông Toàn xin mắc nhờ máy phát điện tua bin chạy bằng nước của hàng xóm. Tuy nhiên, do tận dụng nguồn nước dưới khe suối nên bóng điện chập chờn lúc sáng, lúc tắt. “Nhiều hôm, tôi phải gửi con sang nhà hàng xóm học nhờ hoặc sử dụng đèn pin để học bài”, chị Ma Thiết ngậm ngùi nói.
Mong điện về
Cách đó không xa là gia đình chị Vi Thị Xoanh, cũng thuộc diện khó khăn của thôn. Ngôi nhà của chị Xoanh rộng chừng 3 gian nhưng trống hoác, dưới nền nhà nham nhở những vết thủng sâu to cỡ cái đấu. Phía góc nhà treo vài túi măng tươi để ăn dần. “Nhà chỉ còn vài bao thóc, 3 mẹ con phải ăn dè dặt đến cuối năm”, chị Xoanh tay chỉ vào bao thóc xếp ở góc nhà nói.
Do chưa có điện lưới nên chị Xoanh mắc tạm điện tua bin chạy bằng sức nước suối. Do dòng nước không ổn định nên bóng điện chập chờn, việc cắm cơm, đun nước vẫn phải sử dụng củi lửa.
Để mua được một máy tua bin, các hộ gia đình phải bỏ ra vài triệu đồng nhưng cũng chỉ dùng để thắp sáng. Chưa kể vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, tua bin bị cuốn trôi, bà con lại phải mất tiền mua máy mới.
Theo UBND xã Yên Nhân, ngoài khu Ó, hiện một số khu khác trong xã vẫn chưa có điện lưới, gồm: Khu Na Mến, Hón Húc (thôn Khong), khu Băng Giao (thôn Mỏ) và khu Na Lếch (thôn Na Nghịu).
Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: “Mong muốn của bà con vùng sâu, vùng xa của xã là sớm có điện lưới về phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Chính quyền địa phương đã đề xuất nguyện vọng của bà con lên các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn đầu tư đường điện”.