Người cao tuổi cần biết: Cách uống nước tốt cho cơ thể
Sống khỏe 22/02/2023 13:46
Tại sao cần uống nước đúng cách?
Nước là một trong những thành phần quan trọng nhất đối với hoạt động sống của con người, chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể. Nước tham gia vào mọi quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp điều hòa thân nhiệt, vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đi nuôi tế bào, bài tiết và thải độc… Khi uống đủ nước, những quá trình này sẽ diễn ra bình thường, đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, giúp quá trình học tập, làm việc và sinh hoạt được hiệu quả hơn.
Thế nhưng khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, cơ thể sẽ bị thiếu nước, mất nước, khiến các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn, hoạt động không hiệu quả dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Khi đó, con người sẽ gặp phải các vấn đề như: Suy giảm chức năng thận, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, tim đập nhanh, hạ huyết áp, niêm mạc mũi khô rát, tóc dễ gãy rụng, da thô ráp dễ nổi mụn, quầng thâm mắt, dễ bị táo bón, sỏi thận, sỏi mật,…
Chính vì vậy nên theo các chuyên gia, việc uống đủ nước rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, uống đủ nước thôi chưa đủ, cần phải biết uống nước đúng cách. Bởi vì điều này có thể đem đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau như: Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, duy trì cân bằng điện giải và oxy thiết yếu đến từng tế bào trong cơ thể. Loại bỏ các loại vi khuẩn, chất thải độc hại thông qua hệ bài tiết. Hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, ngăn ngừa các tình trạng táo bón, tiêu chảy. Điều hòa nhiệt độ cơ thể, ổn định huyết áp và nhịp tim. Giúp xương chắc khỏe, trẻ hóa làn da.
Uống nước đúng cách để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn |
Cách uống nước đạt hiệu quả cao
Điều đầu tiên để có một cơ thể khỏe mạnh là đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết. Nước không cần uống quá nhiều, chỉ cần uống đủ dựa theo nhu cầu của cơ thể. Thông thường, người trưởng thành nên uống từ 1,5 lít đến 2 lít nước mỗi ngày.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khiến tiêu chuẩn này thay đổi, ví dụ như những người đang gặp phải vấn đề về tuyến giáp, gan, thận, tim mạch hoặc đang trong thời gian sử dụng thuốc giảm đau chống viêm và thuốc chống trầm cảm,… Khi đó bắt buộc cơ thể phải nạp nhiều nước hơn bình thường (khoảng từ 2,5 đến 3 lít nước).
Lượng nước mỗi người nên uống cần dựa trên thực tế cảm nhận bản thân và các điều kiện cơ thể để xác định. Chúng ta có thể uống ít nước hơn khi thức ăn đã chứa nhiều nước, trời lạnh hoặc ngồi tại chỗ nhiều. Trái lại, chế độ ăn tăng cường protein hoặc chất xơ đòi hỏi nhiều nước hơn để thận bài tiết phế phẩm sau khi protein được hấp thu và tránh táo bón. Người đang bị tiêu chảy, nôn mửa bị hao hụt rất nhiều nước, do đó bổ sung đủ nước là điều không thể bỏ qua. Người gặp các vấn đề về thận và những tình trạng sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.
Tiếp theo để uống nước tốt cho cơ thể cần chú ý đến thời điểm uống nước. Việc tiêu thụ nước đúng thời điểm sẽ giúp đạt được tối đa những lợi ích mà nước đem đến cho cơ thể. Các thời điểm uống nước tốt nhất gồm có:
Sau khi ngủ dậy: Uống một cốc nước ngay sau khi thức dậy là cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới. Điều này giúp kích hoạt các cơ quan nội tạng và loại bỏ những độc tố tích tụ trước bữa ăn sáng, giúp “rửa ruột” một cách hiệu quả nhất.
Trước mỗi bữa ăn: Nhiều chuyên gia khuyến khích uống nước trước khi ăn khoảng 30 phút để hỗ trợ tiêu hóa. Không nên uống quá sớm hoặc uống ngay sau khi ăn vì nước sẽ làm loãng dịch tiêu hóa, không có lợi cho việc hấp thụ dinh dưỡng.
Trước khi tắm: Uống một cốc nước trước khi tắm giúp điều hòa huyết áp, tránh các hiện tượng nguy hiểm như đột quỵ.
Trước khi đi ngủ: Nhiều người hạn chế uống nước vào buổi tối để tránh tình trạng đi tiểu đêm nhưng thực tế thì chúng ta nên uống nước trước khi đi ngủ 1 giờ. Điều này giúp bổ sung lượng nước có thể mất đi vào ban đêm, ví dụ như khi tiết mồ hôi quá nhiều.
Để uống nước đạt hiệu quả cao thì chúng ta cũng cần quan tâm đến tư thế khi uống nước. Theo các chuyên gia, tư thế tốt nhất để uống nước là tư thế ngồi. Chúng ta nên uống từ từ để nước được hấp thụ hoàn toàn vào cơ thể. Nếu uống nước khi đứng hoặc nằm thì cơ thể sẽ gặp phải một số vấn đề sau đây:
Tăng nguy cơ viêm khớp: Uống nước khi đang đứng khiến dòng nước chảy xuống nhanh chóng rồi tích tụ lại bên trong khớp gối. Nếu thói quen này không được thay đổi, bạn có thể bị viêm khớp khi về già. Dễ bị sặc và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Tư thế đứng hoặc nằm khiến thực quản không cân bằng, từ đó dẫn đến hiện tượng sặc nước. Không những vậy, uống nước sai tư thế còn có thể làm tăng nguy cơ đau dạ dày và khiến hệ tiêu hóa gặp trục trặc. Ảnh hưởng đến chức năng thận: Uống nước khi đang đứng hoặc nằm khiến thận lọc nước kém hiệu quả hơn. Hậu quả là những chất cặn bã có thể tích tụ lại bên trong thận và bàng quang, kéo theo các vấn đề sức khỏe như tổn thương thận, sỏi thận,…
Nhiệt độ của nước cũng là yếu tố cần lưu ý để chúng ta có thể uống nước đúng cách mà không ảnh hưởng xấu đến các bộ phận khác trong cơ thể. Theo các chuyên gia, nước ở 16 độ C được coi là tốt nhất cho quá trình hydrat hóa của cơ thể. Tùy thuộc vào sở thích mỗi người mà chúng ta có thể sử dụng nước lạnh hay nước ấm hơn. Tuy nhiên, nên kiểm soát nhiệt độ của nước vì nước lạnh quá hoặc nóng quá sẽ có thể gây ảnh hưởng xấu đến răng, lưỡi và hầu họng.
Một điểm quan trọng không kém khi uống nước để tốt cho sức khỏe là tiêu chí lựa chọn các loại nước uống. Bên cạnh nước lọc, nước khoáng, còn có rất nhiều loại nước lành mạnh khác nhau như sữa hạt, trà thảo mộc, nước ép hoa quả, nước ion kiềm,…Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, nước ngọt, trà sữa,... để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.