Nghị lực vượt khó của một lão nông
Tuổi cao gương sáng 17/02/2023 09:04
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hòa Nhã, sinh năm 1955, ở ấp Tân Bình, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vui vẻ kể: “Khi ra ở riêng, vợ chồng chỉ có 1ha đất nông nghiệp nằm ven sông Hậu được gia đình chia cho, loại đất gò nên chỉ sản xuất được 1 vụ lúa 2 màu. Vào tháng 11 âm lịch sau khi thu hoạch lúa lại sản xuất màu, có năm trồng bắp, trồng khoai lang, trồng đậu, trồng bí, v.v... Nhưng điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ diễn ra đối với người nông dân. Có trong tay hơn 1 ha đất, ấy vậy nhưng kinh tế gia đình cứ “loay hoay cơm cũ đổi cơm mới”, năm nào tốt lắm thì dư ra chút ít đủ chu cấp cho các con học hành, sinh hoạt hằng ngày không thiếu là vui lắm rồi. Năm 2010, khi phong trào nuôi cá tra ở vùng cù lao Tân Lộc phát triển, nhiều người nuôi cá tra chỉ 6 tháng, một năm đã trở thành tỉ phú. Họ sử dụng ca nô tỏa ra các vùng nằm ven bờ sông Hậu thuê đất, đào hầm nuôi cá tra, tôi cũng bị cuốn theo phong trào. Qua nhiều ngày suy nghĩ cân nhắc “người ta không có đất còn dám mướn để nuôi cá, còn mình có đất nhà tại sao không dám làm”. Tôi bàn với gia đình quyết định mút hầm diện tích 5.000m2 tính từ mé sông Hậu vô nuôi cá tra, phần còn lại lên liếp trồng màu, trồng quýt đường xung đê ao”.
Ông Phan Hòa Nhã và ao nuôi cá tra của gia đình. |
Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp nuôi cá tra của ông Nhã. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu như đào ao, mua các loại máy bơm, vật dụng liên quan cộng với con giông, thức ăn thuốc thú y... rất lớn, ông phải vay ngân hàng hơn tỉ đồng. Vụ cá mùa đầu thu hoạch tính ra lãi được hơn trăm triệu nhưng tính lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu thì chưa đủ đắp chi phí. Ông tiếp tục đầu tư vào vụ sau thì tình hình xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, giá cả sụt giảm, liên tục trong nhiều năm liền nhiều hộ nuôi cá tra bị phá sản dẫn đến tình trạng phải “treo” ao. Riêng gia đình ông Nhã trong thời gian đó áp dụng nhiều giải pháp, như tự chế biến thức ăn cá tra tại chỗ, rồi thả cá giống thưa, nên hạn chế được tình trạng lỗ qua mỗi vụ nuôi, lấy thu nhập từ vườn làm nguồn thu chính. Nhờ đó, gia đình ông trụ được và vượt qua giai đoạn khủng hoảng của con cá tra.
Tuy vậy cái xui rủi chẳng chịu buông tha, trong một lần đứng trước cối xay thức ăn, một chút vô ý ông bị cánh quạt cối xay nghiền nát tay phải. Bản thân bị thương tật, tuổi lại cao nhưng ý chí vươn lên đã trở thành chất thép trong ông. Ông vẫn tham gia làm mọi việc, từ trồng cây, làm cỏ vườn, cho cá ăn đều nhanh nhẹn và thuần thục. Trong những năm gần đây khi con cá tra có đầu ra ổn định, giá cả hợp lí, bên cạnh nhận được hợp đồng bao tiêu của công ty chế biến, tuy mức lãi còn khiêm tốn so với nguồn vốn đầu tư, lãi từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg (do giá thức ăn tăng mạnh) nhưng người nuôi cá an tâm hơn. Với diện tích 5.000m2 ao, mỗi vụ thu hoạch từ 120 đến 140 tấn cá tra, trừ các khoản chi phí cũng kiếm được vài trăm triệu, cộng với thu nhập từ cây ăn quả, gia đình có cuộc sống sung túc. Hằng năm ông tạo việc làm cho 4 đến 6 lao động và tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương.
Với những nỗ lực vượt khó không biết mệt mỏi trong lao động, sản xuất, ông Phan Hòa Nhã được Hội NCT xã Tân Thành đề nghị Ban Đại diện Hội NCT huyện Lai Vung công nhận NCT làm kinh tế giỏi cấp huyện.