NCT tỉnh Hà Giang phát huy lợi thế làm giàu từ nông nghiệp
Tuổi cao gương sáng 19/07/2023 14:20
Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2023 |
Với tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” gắn với “NCT làm kinh tế giỏi” được các cấp Hội hưởng ứng, thu hút đông đảo hội viên tham gia; nhiều cán bộ, hội viên NCT năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, cống hiến trí tuệ, sức lực làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Toàn tỉnh hiện có 29.000 NCT tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 35% số NCT; trong đó 625 NCT là chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cá thể; 15.000 NCT được hỗ trợ vay vốn sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Tổng kết giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh có gần 2.200 điển hình tiêu biểu NCT làm kinh tế giỏi các cấp.
Phát huy tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, cây trồng, vật nuôi, phát huy nội lực của từng hộ gia đình, NCT đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Hội vận động NCT chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất; phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp VACR, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như bưởi diễn, na, mít Thái Lan, chuối tiêu hồng...
Trao Bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang tôn vinh NCT làm kinh tế giỏi |
Trong sản xuất, kinh doanh đã xuất hiện rất nhiều hội viên NCT làm kinh tế giỏi, làm giàu cho bản thân NCT, gia đình, tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường, giải quyết việc làm nâng cao mức sống cho người lao động và làm giàu chính đáng.
Huyện Bắc Quang có bà Đỗ Thị Hoa (thị trấn Việt Quang). Với trên 30 năm trong nghề chế biến chè, bà đã liên kết với nhiều hộ gia đình phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trồng chè; thu nhập hằng năm trên 2,5 tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 10 lao động tại địa phương, ngoài ra còn dành quỹ đất xây dựng sân thể thao cho NCT. Ông Phạm Quang Lân (xã Vĩnh Hảo) xây dựng trang trại 12ha trồng cam, bưởi các loại, thu nhập hằng năm trên 2 tỉ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động. Ông Triệu Thái Bình (xã Vĩnh Phúc) trồng 2ha cam, lúa, màu kết hợp chăn nuôi, hàng năm tổng thu nhập gần 1 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hợi (xã Tiên Kiều) xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, trồng lúa và hoa màu, hằng năm thu nhập trên 500 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi lợn đen cho thu nhập cao của NCT tỉnh Hà Giang |
Là cán bộ nghỉ hưu, ông Hoàng Ngọc Linh ở xã Hương Sơn, huyện Quang Bình vừa làm tròn vai trò của Chủ tịch Hội NCT xã, luôn tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo khác trong thôn phát triển sản xuất, làm kinh tế tăng thu nhập; đồng thời cũng mở rộng mô hình trồng cam, thu nhập bình quân trên 280 triệu đồng mỗi năm. Ông Hoàng Đình Nội, Chi hội trưởng NCT ở xã Tân Trịnh trồng cây keo, cây quế, cây chè thu nhập bình quân khoảng 560 triệu đồng/năm, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Hiên (xã Vĩ Thượng) chăn nuôi bò, lợn thịt, đào ao thả cá, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm; ông còn giúp đỡ các hộ thoát nghèo bằng cách cho chăn nuôi trâu giống để phát triển kinh tế, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh cho gia súc, tạo việc làm cho các hộ nghèo khác. Ông Đinh Xuân Ngoạn (xã Yên Hà) trồng hơn 5.000 cây sâm đất, trồng hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, bình quân 300 triệu đồng/năm.
Mô hình làm kinh tế giỏi của NCT tỉnh Hà Giang |
Huyện Hoàng Su Phì có ông Nguyễn Quyết Sơn, hội viên NCT xã Túng Sán chăn nuôi lợn đen và kinh doanh hàng hóa, thu nhập hằng năm khoảng 470 triệu đồng. Ông Giàng Chỉn Mìn, hội viên NCT xã Nam Sơn, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn, trồng cây thảo quả, thu nhập bình quân 220 triệu đồng/năm. Ông Phàn Tà Nằng, Chi hội trưởng NCT ở xã Thông Nguyên chăn nuôi trâu, lợn, gà, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Ông Giàng Pao Lìn, Phó Chủ tịch Hội NCT xã Tả Sử Choóng xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen thương phẩm, trồng cây dược liệu hằng năm đạt doanh thu bình quân khoảng 170 triệu đồng. Ông Lò Xín Củi, hội viên NCT thị trấn Vinh Quang trồng thanh long ruột đỏ, thu nhập 130 triệu đồng/năm.
Ở huyện Xín Mần có ông Hoàng Đình Ngơi, xã Nà Chì trồng lúa, trồng quế, chăn nuôi lợn thịt, ao thả cá, thu nhập 360 triệu đồng/năm. Ông Thèn Cháy Khà, xã Thu Tà vừa trồng lúa, ngô, cỏ, đậu tương, rau các loại theo mùa, chăn nuôi hàng chục con trâu bò, kinh doanh cửa hàng tạp hóa và làm dịch vụ máy xay xát, tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Ông Giàng Văn Minh, xã Pà Vầy Sủ trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn đen với tổng thu nhập đạt 125 triệu đồng/năm.
Tặng quà NCT tỉnh Hà Giang |
Huyện Yên Minh có ông Tẩn A Cái, xã Ngọc Long sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thu nhập hằng năm 535 triệu đồng, tạo việc làm cho 11 lao động. Ông Nguyễn Văn Quang hội viên NCT xã Du Tiến mô hình trang trại tổng hợp, thu nhập bình quân 180 triệu đồng/năm. Ông Lưu Minh Tắng, ở xã Hữu Vinh với mô hình trồng cây ăn quả, thu nhập 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động.
Bà Hùng Thị Mai, Chi hội trưởng NCT ở xã Đông Hà, huyện Quản Bạ là giáo viên nghỉ hưu đã vận dụng kiến thức tích lũy được để sản xuất nông nghiệp, tăng thêm diện tích trồng mía xương gà và nuôi gà xương đen bán ra thị trường với quy mô lớn, mỗi năm thu 200 triệu đồng. Cùng ở xã Đông Hà có ông Dương Đức Thắng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng rau quả trái vụ để bán ra thị trường, tăng cường thâm canh tăng vụ, chủ động sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, hằng năm thu nhập trên 200 triệu đồng…
Mô hình NCT làm kinh tế giỏi của tỉnh Hà giang |
Huyện Vị Xuyên có các bà Lê Thị Khâm, Nguyễn Thị Liễu đều là Chi hội trưởng NCT, chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp, thu nhập bình quân từ 200 - 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho gần chục lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Ông Vũ Văn Kình, NCT thị trấn Vị Xuyên tích cực tham gia phát triển kinh tế trên lĩnh vực chăn nuôi, đa ngành nghề, thu nhập bình quân từ 300-400 triệu/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 4-5 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng. Bà Phà Thị Bích, hội viên NCT xã Phú Linh mạnh dạn đầu tư phát triển hoa màu, trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân 150-190 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 4-5 lao động.
Huyện Bắc Mê có các hội viên: Hoàng Văn Tiến (xã Minh Sơn) chăn nuôi dê, bò, ngựa, lợn, gà, trồng keo và quế, thu nhập 200 triệu đồng/năm; Lý Văn Vừ (xã Phiêng Luông) chăn nuôi trâu, lợn thương phẩm, thu nhập hằng năm 200 triệu đồng; Đặng Văn Mạnh (xã Đường Hồng) chăn nuôi trâu, lợn, gà, trồng rừng thu nhập 100 triệu đồng/năm; Đặng Văn Phú (thị trấn Yên Phú) trồng rừng chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn thương phẩm, đào ao nuôi cá, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
…Và rất nhiều hội viên tiêu biểu làm kinh tế giỏi khác đang ngày đêm miệt mài làm giàu cho gia đình, xã hội, xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới. Họ là những bông hoa rừng giản dị, mộc mạc mà tỏa ngát hương thơm, làm đẹp núi rừng trên quê hương Hà Giang địa đầu Tổ quốc.