NATO đang đối mặt với nhiều thách thức
Quốc tế 12/07/2024 16:35
Giới quan sát nhận định nhiều vấn đề phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, bao gồm nguy cơ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, khả năng Pháp sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine, sự "cứng đầu" của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cũng như sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ liên quan tới xung đột Israel-Hamas, ứng dụng an toàn công nghệ kĩ thuật số..., khi dư luận châu Âu đã mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài tại Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs mới đây, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg nhận định, liên minh xuyên Đại Tây Dương hiện đang phải đối mặt với "một thế giới nguy hiểm hơn" với "một châu Âu chia rẽ và NATO lung lay". Theo ông, hội nghị sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính. Một là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh, vốn được coi là nhiệm vụ cốt lõi của NATO. Thứ hai là hỗ trợ Ukraine - chương trình nghị sự “cấp bách nhất”, ủng hộ khả năng Kiev gia nhập NATO. Thứ ba là tiếp tục tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như với các tổ chức quốc tế khác, nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ. |
Hiện ưu tiên chính của NATO là tăng cường phòng thủ và răn đe, đặc biệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Thời gian gần đây, các nước NATO đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, tăng cường phòng thủ và xây dựng lực lượng thường trực, hiện đại hóa các cấp chỉ huy và khả năng kiểm soát, chuyển đổi hoạt động phòng thủ tập thể và kết nạp thành công các đồng minh mới gồm Phần Lan và Thụy Điển, đưa NATO đến gần biên giới Nga hơn. Tuy nhiên, hầu hết trong số hơn 20 thành viên đã đáp ứng hoặc gần đáp ứng tiêu chí phân bổ 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng đều nằm gần Nga về mặt địa lí như Ba Lan hoặc các nước Baltic, trong khi nhiều quốc gia khác vốn có tiếng nói trong NATO lại rất miễn cưỡng như Đức, Pháp hay Italy.
Liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine, tại hội nghị lần này, nhiều khả năng lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ cam kết tiếp tục duy trì mức hỗ trợ quân sự cho Kiev như những năm qua (khoảng trên 40 tỉ USD/năm). Ngoài ra, các bên cũng sẽ công bố kế hoạch “cầu nối với tư cách thành viên” dành cho Ukraine, đồng thời đưa ra các bước nhằm tăng cường năng lực phòng không cho nước này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, liên minh này vẫn chưa đạt được đồng thuận về thời điểm và cách thức để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO.
Về tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ của NATO với 4 đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, được gọi là nhóm IP4. Đây là động thái thể hiện sự đoàn kết ngoại giao, cho thấy NATO đang liên kết với các đồng minh và đối tác Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, vốn đã nổi lên như một đối thủ ngang hàng với Mỹ, kể cả về công nghệ và thương mại.
Theo giới quan sát, hội nghị NATO lần này tại Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt bất lợi khi Tổng thống chủ nhà Joe Biden là một người ủng hộ mạnh mẽ liên minh, nhưng tương lai chính trị của ông trở nên bấp bênh sau màn thể hiện gây thất vọng trong cuộc tranh luận với đối thủ Trump hôm 27/6 vừa qua và đã có những lời kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua, kể cả từ bên trong đảng Dân chủ. Trong khi đó, truyền thông Mỹ cho biết, các trợ lí của ông Trump bắt đầu thảo luận về việc cải tổ NATO, theo hướng giảm bớt vai trò của Mỹ trong nỗ lực bảo đảm an ninh cho châu Âu, cân nhắc đề xuất phương án khác cho Ukraine, trong đó có khả năng NATO thỏa hiệp với Nga.
Tóm lại, NATO sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi ông Trump lại làm Tổng thống Mỹ. Nhưng có những thế lực mang tính cấu trúc mạnh mẽ đang dần dần đẩy châu Âu và Mỹ ra xa nhau và những xu hướng đó sẽ tiếp tục bất kể điều gì xảy ra vào tháng 11 tới, ở Mỹ, Ukraine hay ở châu Âu. Trong bối cảnh đó, kế hoạch tăng cường phòng thủ và răn đe của NATO đang đối mặt với những thách thức lớn…