Mua nhà hợp pháp của ngân hàng, sao Toà tuỳ tiện kê biên?
Pháp luật - Bạn đọc 16/08/2019 08:47
Nội dung tranh chấp
Theo đơn kêu cứu của bà Trần Thị Quý gửi Báo Người cao tuổi: Ngày 16/6/ 2014, bà mua lại 2 ngôi nhà liền kề nhau (ở khu phố 5, phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) - Chi nhánh Đồng Nai, đã được sang tên, với giá gần chục tỉ đồng. Hai ngôi nhà liền kề có nguồn gốc: Đã được cấp Giấy chứng nhận đứng tên bà Trần Thị Vân Tường.
Bốn tháng sau, bà Quý nhận được Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh Đồng Nai, với nội dung: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng, mua bán, tặng, cho hoặc sửa chữa đối với 2 ngôi nhà trên, với bất cứ hình thức gì, khi chưa có quyết định hủy bỏ, hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn…”.
Quá bất ngờ trước tình huống này, bà tìm hiểu thì được biết: Theo thông tin và các giấy chứng nhận, bà Tường đã chuyển nhượng cho bà Phạm Hoàng Mai Huyền Phương, được UBND TP Biên Hoà xác nhận ngày 14/6/2006. Từ năm 2006 đến 2007, bà Phương thế chấp 2 bất động sản này cho Ngân hàng ACB - Chi nhánh Đồng Nai để vay vốn. Sau đó ngày 6/11/2007, bà Phương kí hợp đồng, có công chứng để chuyển nhượng cho Ngân hàng ACB. Ngày 12/3/2008, Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai chứng nhận tại trang 3 Giấy chứng nhận QSDNƠ và QSDĐƠ, công nhận Ngân hàng ACB là chủ sở hữu, sử dụng mới.
Căn nhà của bà Trần Thị Quý mua hợp pháp của Ngân hàng, bỗng dưng bị Tòa án ra quyết định không cho bán, tặng cho, v,v … |
Sau khi bán nhà cho bà Phương vào năm 2006, bà Tường bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và bà Tường bỏ trốn, nên Công an tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định truy nã số 01/PC14 ngày 7/3/2008. Hiện bà Tường đang trốn lệnh truy nã ở nước ngoài.
Ngày 16/6/2014, Ngân hàng ACB chuyển nhượng 2 bất động sản trên cho ông Nguyễn Tấn Huy và bà Trần Thị Quý. Bà Quý và ông Huy đã đăng kí việc chuyển nhượng tại Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh Biên Hoà, sổ biên nhận 12101 ngày 11/9/2014.
Điều đáng lưu ý, ngày 10/10/2014, TAND tỉnh Đồng Nai ra Thông báo thụ lí vụ án số 41/2014/TLST-DS, thụ lí đơn khởi kiện của bà Tường, có nội dung xác định bị đơn là Ngân hàng ACB, nội dung yêu cầu khởi kiện gồm: “Huỷ hợp đồng mua bán nhà có công chứng số 256 và 257 ngày 15/5/2006 giữa bà Trần Thị Vân Tường và bà Phạm Hoàng Mai Huyền Phương, với Ngân hàng ACB”. Ngoài đơn kiện, còn có tài liệu khác đính kèm, phản ánh nội dung tranh chấp: Văn bản uỷ quyền ngày 22/7/2014 và bà Vân ghi: “Vào năm 2006, tôi đã sang nhượng căn nhà trên cho bà Phương, để trừ số nợ tôi vay của bà Phương. Sau khi trừ nợ xong, bà Phương còn nợ tôi 2.709.000.000 đồng”.
Ngày 16/10/2014, thẩm phán Nguyễn Trí Thức ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 123/2014/QĐ-ADBPKCTT, kê biên và nghiêm cấm việc chuyển dịch, thay đổi hiện trạng 2 bất động sản trên. Ngày 20/10/2014, bà Quý, ông Huy và Ngân hàng ACB nhận được Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nên có đơn khiếu nại. Ngày 10/12/014, thẩm phán Thức tổ chức hoà giải nhưng không thành.
Quá bức xúc, bà Quý làm đơn khiếu nại Tòa và các cơ quan chức năng. Lí do: “Ngân hàng đã là chủ hợp pháp 2 tài sản trên gần 8 năm và chuyển nhượng cho tôi bằng hợp đồng, theo đúng quy định của pháp luật. Còn giả sử giao dịch giữa bà Tường và bà Phương không đúng với thỏa thuận, thì chỉ là chuyện riêng giữa 2 người, không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ 3 như tôi. TAND tỉnh Đồng Nai chưa xem xét thấu đáo sự việc, đã vội ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của gia đình tôi”.
Đại diện Ngân hàng ACB cho biết: Ngân hàng mua lại 2 căn nhà trên do bà Phương đứng tên sở hữu, với mục đích mở phòng giao dịch. Tuy nhiên, vì một số lí do, ngân hàng không mở phòng giao dịch ở địa điểm đó nữa, nên vừa qua đã quyết định bán lại cho bà Quý. Tất cả quá trình mua bán, ngân hàng đều làm đúng pháp luật.
Sự thiếu sót và sai trái của Tòa
Thứ nhất, tại hồ sơ thể hiện 2 đơn khởi kiện của bà Tường ghi ngày 1/6/2014 và ngày 4/8/2014, trong đó đơn kiện ngày 4/8/2014 có nội dung, xác định người bị kiện là Ngân hàng ACB, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phương. Nhưng phần yêu cầu thì đề nghị huỷ các hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Tường và bà Phương, cùng hợp đồng giữa bà Phương với Ngân hàng ACB.
Thứ hai, người đại diện của bà Tường được thông báo đóng 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí, tức là nộp án phí cho một yêu cầu khởi kiện không có hạn ngạch. Vậy mà Toà án thụ lí và ra thông báo thụ lí đến 2 quan hệ pháp luật là tranh chấp yêu cầu huỷ các hợp đồng mua bán nói trên.
Thứ ba,Toà án chưa nghiên cứu đầy đủ các chứng cứ liên quan, nhất là nội dung thay đổi của nguyên đơn. Thẩm phán cần phải làm rõ mâu thuẫn về hợp đồng mua bán là thật, có giấy xác nhận tại phòng công chứng của 2 bên, với các ràng buộc về trả nợ. Quá trình giải quyết vụ án và xét xử, thẩm phán cũng sai phạm. Sau khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán lại tiếp tục thụ lí đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quên luôn việc mở lại phiên toà theo quy định, để quá thời hạn giải quyết.
Đáng nói hơn, Toà ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này là vội vã, chưa đủ điều kiện. Bởi theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự, hướng dẫn tại Mục 2.1 Mục II Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội Đồng thẩm phán TAND Tối cao: Chỉ có các điều kiện sau đây Toà mới xem xét ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu : 1) Do tình trạng khẩn cấp; 2) Cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu huỷ, hoặc sau này khó có thể thu thập; 3) Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng, nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy, người giữ tài sản có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản. Tài sản bị kê biên được giao cho cơ quan thi hành án, hoặc cho một bên đương sự hay người thứ ba giữ”. Như vậy, ở đây bà Quý và ông Huy hiện đang quản lí tài sản này và thực hiện việc đăng kí chuyển nhượng đúng pháp luật, chẳng có nghĩa vụ gì với bà Tường, sao Toà lại kê biên tài sản này? Có công bằng không, khi công dân bỏ hàng chục tỉ đồng ra mua tài sản hợp pháp, mà không được bảo vệ? Tại sao Toà sốt sắng thực hiện yêu cầu của một người lừa đảo đang có lệnh truy nã toàn quốc? Bà Quý cho rằng, TAND tỉnh Đồng Nai cần xem xét lại tư cách khởi kiện của bà Tường, cũng như có văn bản thông báo cho cơ quan điều tra về nơi ở hiện nay của bà Tường, để thực hiện việc di lí về Việt Nam.
“Việc kê biên của Tòa là hoàn toàn sai. Bà Quý hiện là chủ sở hữu hợp pháp của 2 tài sản và không liên quan gì đến tranh chấp giữa bà Tường và bà Phương. Đến thời điểm này, chưa có văn bản nào phủ nhận giá trị của các hợp đồng mua bán tài sản giữa bà Tường và bà Phương, giữa bà Phương với ngân hàng và giữa ngân hàng với bà Quý. Như vậy, ai đứng tên trong giấy tờ nhà là chủ sở hữu hợp pháp và pháp luật bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đó. Bộ luật Dân sự cũng không có quy định nào cho phép, Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên tài sản của người thứ 3 ngay tình, khi không liên quan đến tranh chấp của các chủ cũ” - TS Lê Minh Hùng, giảng viên Khoa Luật dân sự, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nói: “Tôi khẳng định không có quy định nào cho phép Tòa án kê biên nhà của bà Quý. Tranh chấp giữa bà Vân và bà Phương vừa mới xảy ra năm 2014, trong khi các quan hệ chuyển quyền sở hữu giữa bốn chủ thể đã diễn ra cách đây gần chục năm. Tại thời điểm các lần chuyển nhượng, không có vụ án nào được tòa thụ lí và giải quyết. Mặt khác, việc mua nhà, đất của bà Phương, ngân hàng và sau này là bà Quý là hợp pháp, ngay tình, nên việc kê biên của Tòa là không đúng”.