Một miền quê thảo dược
Đời sống 30/11/2021 10:12
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp trong chuyến đi là bà Triệu Thị Thanh, ngoài 60 tuổi ở xã Hợp Sơn, nơi có khoảng mấy trăm người Dao quần chẹt sinh sống. Bà là chủ của một vườn dược liệu gia đình rộng chừng 2ha, với 50 loại cây thuốc qúy. Năm thế hệ gia đình bà đã từng sống trên mảnh đất này. Gương mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm, am hiểu khá sâu sắc về các loại cây thảo dược và kiến thức chữa bệnh, bà chủ vườn dược liệu này không có dáng vẻ gì là người “thôn quê”. Chỉ tay vào vườn cây dược quý, bà Thanh nói: “Ở đây, xưa người Dao đến an cư lập nghiệp, sống trên những mỏm núi cao, dựa vào rừng để kiếm sống. Mỗi lúc bị bệnh phải tìm cây rừng chạy chữa. Bằng kinh nghiệm đời này qua đời khác, người Dao đã biết bốc thuốc chữa được rất nhiều bệnh như phong, thấp khớp, sỏi thận, đái buốt, đái rắt, đái tháo đường, ho hen, ho lao, ho ra máu, trĩ nội, trĩ ngoại, hậu sản, dạ dày, viêm phổi…”.
Bà Lãng Thị Tuất, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Vì, nụ cười luôn lấp ló sau gương mặt nghiêm nghị, ánh mắt tinh anh chia sẻ với tôi nhiều thông tin. Thật thú vị khi thấy ở đây nhà nào cũng biết làm thuốc “gia truyền” nối tiếp truyền thống cha ông từ đời này sang đời khác.
Sơ chế cây thuốc. |
Cách đó không xa là đỉnh núi Tản Lĩnh, bốn mùa hương hoa nồng đượm, mây tứ thời bồng lai. Dãy núi này phần lớn cung cấp thuốc quý cho Nhân dân trong vùng. “Chúng tôi chủ trương không dùng chất hóa học. Dược liệu đang là một vấn đề không nhỏ đối với ngành Đông y. Ngay từ nhỏ, trẻ em trong làng đã được chỉ bảo về nghề, bắt đầu nhận diện cây thuốc, giúp gia đình phân loại, đóng gói thuốc”, ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì vừa kéo tay tôi vừa nói thêm: “Tôi thấy thảo dược giả đang là vấn đề nhức nhối rất đáng quan tâm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cái nguy hại là dược liệu giả được bày bán với giá chợ đen rất giống dược liệu thật ở Ba Vì nên rất dễ nhầm lẫn”.
Giữa trưa hôm đó, chúng tôi tới thăm vườn dược liệu của gia đình bà Triệu Thị Bảy, chuyên trồng thuốc và cung cấp vị thuốc nam. Bà Bảy cho biết, đã trồng 160 loại cây thuốc trong đó có những loại cây quý hiếm, phải trên mười năm mới sử dụng như củ dòm, cây bổ máu huyết rồng, cây dào xị, cây đìa sản, đùi ùi, xạ đen, kim ngân. Trong khu dành cho sơ chế, những cây thuốc đủ mọi sắc màu, mùi hương thơm mát như tỏa ra từ không gian núi rừng, bàn tay người công nhân đảo qua đảo lại dưới chiếc máy nghiền. Trong phòng nghiên cứu nhỏ, chiếc máy vi tính lưu giữ mọi số liệu cần thiết về từng cây thuốc, vị thuốc, từng sản phẩm tinh chế với lượng thông tin dày thêm mỗi ngày. Hằng ngày, quy trình hái thuốc phải được tuân thủ nghiêm ngặt theo những số liệu đã được mặc định trên máy vi tính. Đây là một trong những gia đình làm nghề thuốc phát đạt nhất ở xã Ba Vì.
Lương y Triệu Thị Hòa, người có uy tín trong nghề trồng cây thuốc nam của người Dao. |
Chuyện trò với lãnh đạo nơi đây, chúng tôi được biết: Dược liệu đang đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Nông dân ngày càng muốn mở rộng sản xuất, thảo dược làm ra ngày càng nhiều nên tiêu thụ không dễ. Điều đáng nói là đất trồng lúa hiện chỉ có khoảng 20ha, còn lại là đất trồng rừng, trồng sắn, dong riềng. Vì vậy nên đến tận bây giờ, khi nhiều nơi miền xuôi đã xóa nghèo bền vững, thì người Dao Ba Vì vẫn có tới hơn 40% là hộ nghèo (223/457 hộ). Người dân cho rằng các cơ quan chức năng cần có những động thái quyết liệt để xử lí nạn hàng giả bởi “thảo dược quý người Dao đã bị đánh bại ngay trên chính xứ sở của mình”, nhiều nông dân người Dao Ba Vì buồn bã nói với tôi như vậy.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, người nghiên cứu vùng đất Ba Vì cho biết trong vòng 20 năm, mô hình trồng dược liệu của cả vùng núi Ba Vì đã thay đổi hoàn toàn, tạo nên một bước nhảy vọt. Nhiều người còn làm giàu, xây được nhà cửa khang trang, sắm ô tô, trở thành tấm gương doanh nhân tiêu biểu trong toàn quốc. Hiện nông nghiệp Ba Vì đang đứng trước hai thách thức lớn: Thứ nhất môi trường tiêu thụ dược liệu đang ngày càng rộng rãi, vấn đề được đặt ra rất cấp thiết là phải bảo vệ được nguồn dược liệu sạch, nghĩa là phải giữ được một hình ảnh đẹp về cây thuốc quý. Thứ hai, là sản xuất cung vượt cầu. Muốn giữ được giá thì phải quy hoạch lại vùng trồng thuốc một cách bài bản, khoa học.
Một kỉ niệm vui trong chuyến đi với lương y Triệu Thị Hòa. Bà là một người có uy tín lớn ở vùng này, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội Đông y Ba Vì và là thành viên đồng sáng lập của quỹ Châu Á. Điều đáng ngạc nhiên là bà giữ chức Chủ tịch từ khi còn là một thiếu nữ ngoài hai mươi tuổi, bắt đầu khởi nghiệp. Và đến tận bây giờ, những người làm nghề thuốc nam ở đây không chịu để bà thôi chức vụ đó. Bà tâm sự: “Công việc của tôi hằng ngày ở hai nơi. Nhưng thú thật nếu được chọn thì tôi xin ở lại xã này. Tôi trưởng thành từ nghề làm thuốc và bây giờ vẫn là người bốc thuốc cứu người. Ngày ngày thức dậy, đón bình minh ở ngôi nhà nhỏ, bước ra vườn, đi trong rừng, tôi như nghe thấy hơi thở của cây cỏ và hoa lá. Tôi biết sẽ không bao giờ rời xa được chốn này.