Món ngon từ cây cọ của đồng bào Tày Bảo Yên
Đời sống 19/10/2023 16:52
Tại các vùng đất như Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến, Tân Dương, Yên Sơn, Bảo Hà, Phúc Khánh… của huyện Bảo Yên, cây cọ không chỉ cung cấp lá để làm nên những căn nhà sàn truyền thống mà còn cung cấp nguyên liệu tạo nên những món ăn đậm đà dư vị.
Với bàn tay khéo léo, người Tày đã dùng quả cọ, đọt cọ, nhộng cọ để chế biến thành những món ăn chỉ có ở những bản Tày xa xôi, thưởng thức một lần mà nhớ mãi. Vào thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, quả cọ bắt đầu chín. Trên ngọn những thân cọ cao vút, những chùm quả cọ tím bầm, căng bóng gợi về bao dư vị của những món ăn đặc trưng. Người dân lên đồi hái quả cọ về chế biến thành các món ăn vừa dân dã, vừa đậm đà. Món ăn quen thuộc và chế biến rất nhanh là quả cọ ỏm.
Quả cọ ỏm của người Tày Bảo Yên |
Quả cọ ỏm của người Tày Bảo Yên ăn mềm, béo ngậy, vàng ươm, nếu chấm với muối vừng thì thơm ngon hơn. Ngoài cọ ỏm, người Tày còn sáng tạo ra món ăn khác để giữ được lâu đó là món cọ muối. Quả cọ tươi hái về, xóc sạch vỏ bên ngoài, ngâm qua với nước ấm cho bớt chát rồi xóc với muối hạt, nén vào chum sành để chừng 3-4 ngày là quả cọ ngả màu vàng sẫm, vị chua là có thể thưởng thức được. Cọ muối khi ăn có vị béo, bùi, chua chua khá lạ miệng, có thể ăn cơm nóng và ăn kèm với các món thịt khác.
Từ quả cọ, đồng bào Tày trong các bản còn dày công chế biến món ăn khác mang đậm bản sắc, đó là món xôi cọ, được chế biến khi mùa quả cọ chín. Xôi cọ được làm từ gạo nếp và quả cọ. Khi chế biến, người Tày thường chọn loại cọ nếp quả to, tròn, dẻo, mỡ và ngậy. Sau khi quả cọ được rửa sạch, để ráo nước, xóc sạch vỏ và cho vào nồi nước bắc lên bếp đun và khuấy đều cho đến khi nước nóng khoảng 70 độ, sau đó đậy vung khoảng 15 đến 20 phút để cọ chín. Khi cọ đã chín, dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần cùi dày, vàng óng.
Sau khi đã chuẩn bị xong, cùi cọ trộn và bóp nhuyễn với gạo nếp đã ngâm từ 3-4 giờ với thịt cọ, xóc chút muối rồi cho vào đồ khoảng 1 giờ. Khi thưởng thức món xôi cọ, cảm nhận hương vị rất riêng biệt, vị ngậy thơm của quả cọ và gạo nếp rất đặc trưng. Vào mùa cọ, tại chợ phiên cuối tuần, đồng bào Tày mang cọ ỏm và xôi cọ bày bán.
Món cổ hũ cọ |
Có một món ăn từ cây cọ phải kì công lắm và khi nhà có khách quý mới được chế biến, đó là món đọt cọ non. Để có món ăn này, người Tày lên đồi cọ, chọn những cây cọ thấp, còn non, chặt lấy phần ngọn, bóc hết bi cọ và lớp vỏ bên ngoài để lấy đọt non. Đọt cọ ngon nhất là chế biến cùng với món vịt bầu. Đọt cọ được thái thành từng lát mỏng, xếp dưới đáy chõ xôi sau đó đặt con vịt bầu đã làm sạch lên trên để hấp. Trong quá trình hấp, mỡ vịt chảy xuống phần đọt cọ, ngấm vào từng miếng. Khi ăn, thịt vịt vừa béo, ngọt, vừa mềm, còn đọt cọ thì béo và giòn sần sật. Ngoài ra, đọt cọ cũng dùng để thái lát xào với thịt lợn sấy thái mỏng hoặc lam trong ống nứa cùng với thịt vịt ăn vừa béo vừa ngon.
Ngay cả khi cây cọ khô, mục thì đồng bào Tày Bảo Yên vẫn chế được món ăn cầu kì và độc đáo. Đó mà món đuông cọ (nhộng cọ). Người ta bổ thân cây cọ ra và bắt những chú nhộng căng tròn, béo mẫm về rửa sạch, cho vào chảo chao với dầu ăn hoặc mỡ heo cho vàng ruộm rồi rắc lá chanh thái nhỏ là được một món ăn vừa lạ miệng vừa bổ dưỡng.
Bà Lương Thị Quyên, chủ một homestay ở Nghĩa Đô chia sẻ: “Các món ăn từ cây cọ luôn có mặt trong mâm cơm của người Tày Nghĩa Đô, đặc biệt là khi khách du lịch đến và có nhu cầu thưởng thức những món ăn bản địa”.
Dừng chân ở những bản Tày của Bảo Yên, thấp thoáng bên ven suối, dưới những chân núi cao sừng sững là những căn nhà sàn lợp mái cọ bình yên, thơ mộng. Xa xa là những đồi cọ xanh ngát trập trùng, thoảng nghe đâu đây dư vị của những món ăn bình dị, dân dã mà đậm đà dư vị bản Tày do bàn tay của những người phụ nữ Tày đảm đang, khéo léo chế biến mỗi khi có khách phương xa về thăm.