"Lung Quý " của vùng cao Tân Lập
Đời sống 09/10/2023 11:09
Ở cương vị nào, thời điểm nào Lung Quý cũng sâu sát xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, cũng tiên phong vỡ đất bỏ hoang trồng chè san tuyết làm giàu và nhân các giống cây lương thực cao sản giúp dân bản an cư, tích cực phát triển kinh tế vườn rừng bền vững…
Hà Ngọc Quý sinh năm 1957, cái tuổi Đinh Dậu chẳng chịu ngồi yên, thích chạy nhảy… Thời làm Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, Lung Quý thường xuyên qua lại “cắm” trong bản người Thái để chỉ đạo các chi bộ tiếp nhận đảng viên, đón và sắp sếp nơi ăn, chốn ở cho hàng trăm hộ đồng bào Mông di cư theo diện tránh hồ thủy điện Hòa Bình từ Quang Minh lên sinh sống…
Để thực hiện nhiệm vụ hằng ngày được thuận lợi, Lung Quý bán ngôi nhà ngoài thị trấn Mộc Châu với giá 4 cây vàng và vay thêm ngân hàng 20 triệu đồng để thuê mua cả quả đồi mà đồng bào Thái bản Dọi bỏ hoang dựng lán ở tạm, cải tạo trồng chè san tuyết xen canh ngô sắn... Vẫn chưa đủ, Lung Quý còn “tha” người vợ liễu yếu đào tơ của mình từ ngoài phố huyện vào đây phụ lái máy ủi, cầm nhân công đổ bê tông mặt đường kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Lung Quý và phụ nữ bản Dọi thu hoạch chè |
Biết chuyện, ông Trưởng phòng địa chính huyện Mộc Châu ngày ấy cứ ái ngại thay cho đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã Tân Lập: “Khổ lắm, cứ làm như mình Lung Quý là có máu liều không bằng. Bản Dọi bao đời rồi chẳng hộ dân nào dám vung tiền, cầm cuốc xẻng vào cái quả đồi bỏ hoang ấy trồng cấy hoa màu đâu...”.
Ai khuyên can, nói gì mặc kệ, Lung Quý vẫn tranh thủ ngoài giờ hành chính và cả những ngày nghỉ cuối tuần cùng vợ lật đất đồi ươm 4ha chè san tuyết, thâm canh rau quả. Thoáng bóng lái buôn qua là tụt ào xuống, may thì cân được vài túi mộc nhĩ tươi, bó bông chít, mấy củ khúc khắc... Tối như bịt mắt mới chịu ngơi tay. Vợ lao đầu vào bếp, Lung Quý xuống suối gùi can nước về vừa để ăn, vừa cho vợ tắm rửa...
Lung Quý đã có bận sinh nhật nhớ đời. Đó là ngày 12/3/2000, thay cho việc sum vầy với những người thân như thường lệ thì Lung Quý lại cùng các cán bộ xã đi tiếp nhận gần 400 hộ đồng bào Mông di cư tránh hồ thủy điện Sơn La tới địa phương sinh sống. Nhẩm tính quê nhà đang chỉ có hơn 1.000 nhân khẩu bỗng tăng đột biến thành 2.600 người, Lung Quý tự nguyện hiến 3,5 ha đất canh tác của gia đình mình mà không lấy bồi thường đồng nào. Lung Quý kể: “Biết bao đợt lãnh đạo tỉnh xuống tuyên truyền, vận động dân bản địa bàn giao cho nhà nước 500 ha đất canh tác để thực hiện dự án tái định cư nhưng bà con không thấu. Chỉ khi tôi nói và hiến đất thì dân thông… ngay”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo bàn giao đất và tổ chức lực lượng sắp xếp nơi ở ổn định cho hàng ngàn người di cư về xã Tân Lập an toàn tuyệt đối, Lung Quý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới càng bận rộn hơn với những chuyến “2 cùng”- cùng ăn, cùng ở với bản Mông vừa thành lập để chỉ đạo các chi bộ kiểm tra số lượng, chất lượng đảng viên mới tiếp nhận và giúp bà con ổn định sản xuất.
Đại hội Đảng bộ xã Tân Lập nhiệm kì 2005 – 2010 tín nhiệm bầu Lung Quý là Bí thư Đảng ủy. Dù việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở vùng dân tộc thiểu số mới tái định cư không đơn giản, vậy mà Đảng bộ xã Tân Lập vẫn kiện toàn được Đảng ủy gồm 8 đảng viên nòng cốt đại diện đủ các dân tộc sinh sống tại địa phương để xây dựng mối đoàn kết, thống nhất lấy hiệu quả lãnh đạo phát triển kinh tế vườn rừng của toàn xã làm trọng tâm.
Là lãnh đạo chủ chốt của xã nhà, nhưng Lung Quý trực tiếp đi tìm hiểu các giống ngô, lúa tốt ở dưới xuôi đem về trồng thí điểm. Thấy giống mới cho năng suất cao gấp 4 - 5 lần so với giống cũ, Lung Quý nhân ra hàng loạt tặng cho bà con gieo trồng khắp nơi. Bởi thế, mảnh đất núi rừng xa xôi này sau Đại hội Đảng bộ xã Tân Lập nhiệm kì 2005 – 2010 chẳng bao lâu không những ổn định lương thực mà nhiều hộ còn dư hàng tấn ngô lúa bán ra thị trường mỗi vụ.
Đầu năm 2011, dân bản thu hoạch 250 ha chè san tuyết mà không bán được như kì vọng. Lo lắng bà con mất lòng tin với cây chè, Lung Quý lại đứng ra mời gọi doanh nghiệp ngoài thị trấn Mộc Châu vào tài trợ kinh phí làm đường bê tông, góp cổ phần thành lập Công ty chè Tân Lập kí kết bao tiêu toàn bộ chè búp thô dài lâu giúp dân bản để chế biến thành sản phẩm chè san tuyết chất lượng cao xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Singapore, Thái Lan… Sau một năm đi vào hoạt động, Công ty chè Tân Lập thu lãi 60 tỉ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động có thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/ tháng.
Cuối năm 2015 được nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội NCT xã Tân Lập, Lung Quý cùng vợ sang Singapore tham quan mô hình du lịch cộng đồng. Sau chuyến xuất ngoại đó, Lung Quý về thuê 5ha đất đồi xây dựng khu sinh thái tạo việc làm cho 20 con em hội viên NCT bản Hoa, bản Dọi. Là một người Mông tái định cư, đồng chí Vàng A Thào, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập tự hào: “Ngày xã tổ chức bàn giao nghỉ hưu cho Lung Quý - người lãnh đạo tiền nhiệm chủ chốt của địa phương nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới, đồng bào Mông kéo đến kín cả hội trường ơn Đảng và cảm tạ Lung Quý đã vận động bà con dân tộc Thái bản địa nhường cả những thửa rộng, mùa lúa, nương ngô, đồi chè cho gia đình lúc vừa chân ướt, chân ráo về xã nhà định cư… Tha thiết xin được làm lí kết lạp Lung Quý vào các dòng họ Vàng, Thào, Tráng…của mình mãi mãi”.
Không dừng lại ở đó, vừa qua Lung Quý đã báo cáo trên xin thành lập Chi bộ Công ty chè Tân Lập do mình làm Bí thư chi bộ góp 30% vốn cổ phần. Đây là doanh nghiệp tư nhân duy nhất tại xã Tân Lập có tổ chức cơ sở Đảng, hi vọng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Công ty chè phát triển bền vững, bao tiêu chè búp thô ổn định giúp đồng bào các dân tộc trên mảnh đất vùng cao này ngày càng an vui, ấm no, hạnh phúc…