Luận về sướng và khổ
Đời sống 02/09/2023 13:00
Đời người có hai phần: Phần khổ và phần sướng, loại bỏ hết phần khổ còn lại là phần sướng. Tuy nhiên hai phần này đan xen nhau, nay khổ mai sướng, sướng trước khổ sau... Người tài giỏi đến đâu, cũng không thể “cân, đo, đong, đếm” được sướng nhiều hơn khổ, hay ngược lại?! Đánh giá sướng, khổ chỉ là tương đối, định tính, ước lệ, hoàn toàn do quan niệm, cảm nhận của mỗi người. Chết là sướng, đối với những người bệnh tật nặng, nghiện ma túy... Và khổ đến lúc chết. Ốm yếu là khổ đã đành nhưng khỏe cũng khổ! Cái khổ của người này, là cái sướng của người khác và ngược lại! Chắc chắn là mỗi người đều có sướng, có khổ và luôn luôn đồng hành cùng với cuộc sống của mỗi người. Khổ thân xác (khổ thân), khổ tinh thần (khổ tâm) và sướng thân, sướng tâm.
Cuộc sống của con người có vật chất và tinh thần. Sướng khổ về vật chất dễ nhận ra, còn về tinh thần rất khó nhận ra được. Tinh thần con người có sướng và khổ, gọi là sướng tâm, khổ tâm. Chỉ có mình mới biết tinh thần sướng hay khổ, miệng cười nhưng lòng đau khổ! Miệng khóc than nhưng lòng vẫn sướng vui! Người có hai loại bệnh: Bệnh ở thân xác và bệnh ở tinh thần. Bệnh thân xác thì chữa bằng thuốc tây, đông y; bệnh tinh thần thì chữa bằng tinh thần kết hợp với thuốc. Tâm bị tác động bởi hai yếu tố: Khách quan (thời tiết, công việc, quan hệ tình cảm, phim, tivi,...) và chủ quan (đầu óc suy nghĩ). Khách quan có lẽ dễ nhận thấy, khắc phục dễ hơn là chủ quan. Tâm sướng khổ là yếu tố quan trọng, chi phối các hoạt động khác của một con người.
Ảnh minh hoạ |
Cuộc sống của con người có cái quý giá nhất là sức khỏe. Muốn khỏe mạnh cần có bốn yếu tố căn bản là: Ăn, ngủ, nơi ở và việc làm. Cho nên, muốn xét đến sướng khổ của con người thì phải xét 4 yếu tố trên, với nội dung sau.
1. Ăn - Hoạt động nhiều nhất, suốt đời là ăn, có ăn sướng, ăn khổ. Vậy thế nào là ăn sướng, ăn khổ?Trước hết quan tâm đến vật chất cho việc ăn. Người có nhiều đồ ăn, ngon, đặc sản gọi là ăn sướng và ngược lại là ăn khổ. Ngày xưa thiếu thốn lương thực, thực phẩm thì rõ ràng là ăn khổ. Hiện nay nhiều đến mức dư thừa lương thực, thực phẩm, không thiếu thứ gì, gọi là ăn sướng, trên phương diện số lượng. Còn đi sâu vào chất lượng đồ ăn, nhiễm độc thì chưa chắc đã là sướng. Sướng mồm khổ thân. Bệnh vào từ miệng (ăn). Hơn nữa, “cách ăn hơn đồ ăn” cũng là vấn đề cần phải quan tâm, đánh giá về sướng khổ. “Mâm cao cỗ đầy” mà tinh thần mỏi mệt, tình cảm sứt mẻ thì nuốt không trôi thì ăn là ăn khổ! Mai An Tiêm nói: “Của biếu là của lo; của cho là của nợ”, cho nên ăn những thứ được biếu, được cho mà kèm theo “điều kiện” là ăn khổ. “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon” (ca dao) như thế là ăn sướng.
2. Ngủ - Một ngày cần phải ngủ từ 6 - 8 giờ, nên một đời người thời gian ngủ là 25 - 30% thời gian sinh sống trên quả đất này. Ngủ đủ thời gian, ngủ say, ngủ ngon là ngủ sướng. Cho nên “Ăn chả ăn giò - ngủ lo ngay ngáy” - nghĩa là ăn sướng do ai đó biếu tặng nhưng ngủ khổ, tâm khổ. “Ăn cua, ăn cáy - ngủ ngáy o o”- nghĩa là ăn bình dân, những thứ mình kiếm được nhưng ngủ sướng, tâm sướng. Ăn được ngủ được là tiên (sướng); không ăn không ngủ buồn phiền lắm thay (khổ). Ngủ bị tác động của hai yếu tố: Khách quan (thời tiết, công việc, quan hệ tình cảm, phim, tivi,...) và chủ quan (đầu óc suy nghĩ). Khách quan có lẽ dễ nhận thấy, khắc phục dễ hơn là chủ quan. Bởi vậy, người cao tuổi cần sống nhi thuận và lựa chọn nghe gì, xem gì, ăn gì cho phù hợp, cho ngủ ngon.
3.Nơi ở - Nơi ở bao gồm nhà, các tiện nghi phục vụ con người mà cảm thấy thoải mái, dễ chịu, ngủ ngon là ở sướng. Ở sướng là cảm nhận của mỗi người, phụ thuộc không nhiều vào điều kiện vật chất. “Nhà sạch thì mát” - có phải là nhà to thì mát đâu! Nóng có điều hòa mát, rét lạnh có điều hòa nóng ấm - thế là sướng với những người phù hợp với điều hòa, ngược lại là khổ với người không thích điều hòa, người bị bệnh phổi sợ điều hòa. Người nông thôn với môi trường tự nhiên ra sống ở thành phố với điều hòa, chật chội là kêu khổ và ngược lại với người thành thị khi về sống ở nông thôn cũng kêu khổ. Nơi ở cần nhất là không khí trong sạch để hít thở, khỏe mạnh, là sướng. Song còn có loại “Khí” tinh thần, không khí vui vẻ, mọi người muốn sống trong căn nhà vui vẻ đó. Như vậy nơi ở gồm vật chất và tinh thần, thoải mái cả hai là sướng.
4. Việc làm - “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Nguyễn Du). Là quan niệm về số phận khổ sướng do ông trời. Việc làm phù hợp với năng lực của mình là sướng, sướng thân và sướng tâm. Nhiều người cho rằng làm quan thì sướng, không sai nhưng ai đã từng làm quan mới biết là có khổ. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, nhiều người từ bỏ chức quan về quê sinh sống, làm việc như một người dân. Vua Trần Nhân Tông trao ngai vàng cho con trai kế vị để Vua đi tu. Như vậy làm quan to, vua chúa là khổ, làm dân sướng hơn?! Người lao động chân tay vất vả (khổ thân) nhưng lại sướng tâm. Người lao động trí óc, như quan sếp, sướng thân nhưng lại khổ tâm. Hết 8 giờ lao động, người lao động chân tay là xong việc, ăn no ngủ kĩ, sướng tâm, còn người lao động trí óc, người quản lí, lãnh đạo hết 8 giờ ở công sở về nhà vẫn nghĩ đến việc chưa ổn, khổ tâm!
5. Mối quan hệ của sướng và khổ - Sướng khổ là quan niệm, là nhận thức, là tư tưởng... của từng người. Thông thường luôn cho rằng mình khổ, người khác sung sướng! Sướng bao nhiêu, khổ bấy nhiêu! Sướng lắm, khổ nhiều. “Nhà giàu cũng khóc”, càng giàu càng khóc to!
Có thang bậc về sướng, khổ: Sướng quá, sướng vừa; khổ quá, khổ vừa. Ghép lại thành cặp đôi như sau: Sướng quá - khổ quá; sướng quá - khổ vừa; sướng vừa - khổ quá; sướng vừa - khổ vừa. Xin nhớ là tổng cộng của sướng với khổ của mỗi cặp là bằng nhau, đó là quy luật “được - mất”. Bạn lựa chọn cặp đôi nào? Mách nhỏ: Lên voi, xuống chó; xấu đều hơn tốt lỏi; nằm giữa không mất phần chăn... căn cứ vào đó mà bạn lựa chọn. Cá nhân tôi chọn cặp sướng vừa - khổ vừa, mọi thứ vừa đủ.
Cuộc sống vừa đủ là đủ ăn, đủ ngủ, đủ ở và đủ việc làm, dẫn đến ăn sướng, ngủ sướng, ở sướng và làm việc cũng sướng. Có lẽ mọi người đều mong muốn vừa đủ để có hạnh phúc vừa đủ?! Cái gì vượt quá thì cái đó là bất bình thường và tiềm ẩn nhiều điều bất bình thường. Nước lạnh quá sẽ đóng băng đá (chất rắn); nước nóng quá sẽ bốc thành hơi (chất khí); nước là nước (chất lỏng) khi nhiệt độ của nó vừa đủ! Tương tự như vậy với quy luật tự nhiên, xã hội và trong cuộc sống của mỗi con người.
Sướng khổ có thang bậc trong tâm, trong thân: Sướng tâm, khổ tâm, sướng thân, khổ thân và ghép thành bốn cặp đôi: Sướng tâm - sướng thân; sướng tâm - khổ thân; khổ tâm - sướng thân; khổ tâm - khổ thân. Mọi người xem lại bản thân và tự nhận mình ở cặp đôi nào, trong 4 cặp trên? Nếu được sướng tâm và sướng thân là hạnh phúc, là do bản thân tràn đầy lòng lương thiện, rất ít tâm ác trong mình. Nếu còn khổ tâm và khổ thân là khổ chồng chất lên khổ, hãy bắt đầu từ việc giảm bớt khổ tâm, tăng thêm sướng tâm để từng bước cải thiện khổ thân. Hai cặp đôi còn lại, mọi người tự tìm giải pháp khắc phục yếu kém nhé.
Mong sao mọi người tự mình soi chiếu để tự nhận ra mình đang sướng khổ thế nào! Từ đó đã tốt thì phát huy, duy trì; đang kém thì từng bước khắc phục. Trước hết là khắc phục tinh thần (tâm) làm sao sướng tâm, từ đó từng bước làm giảm bớt khổ thân, tiến tới hết khổ thân. Đời người như gió thoảng, vô tình tựa đám mây, sống vui hay đau khổ, cũng qua hết một ngày.